Thời sự

Việt Nam muốn Nga hợp tác tạo đột phá trong khai thác dầu khí, điện hạt nhân

Sáng 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin đồng chủ trì Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Liên bang Nga.

Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga không chỉ được xây dựng trên nền tảng lịch sử, ân tình gắn bó mà còn có cả sự đồng hành của hai Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp hai bên. Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga phát triển sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Đột phá hơn trong hợp tác năng lượng

Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin (trái) và Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải). (Ảnh: VGP).

Thủ tướng cho biết hai bên đã thống nhất nâng kim ngạch thương mại song phương, phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nhanh chóng cấp phép cho các sản phẩm, hàng hóa, các doanh nghiệp cũng phải linh hoạt, sáng tạo trong kết nối hai thị trường. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam thuộc loại cao nhất khu vực, đây cũng là phương thức hợp tác mới.

Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần đột phá hơn trong hợp tác năng lượng, mở rộng không gian hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (gồm đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, ưu đãi tài chính, chuyển giao kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm an toàn hạt nhân và truyền thông về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình).

Về logistics, giao thông vận tải, Thủ tướng cho rằng những hướng hợp tác đột phá là đường biển, đường sắt, tàu điện ngầm, gồm kết nối các tuyến đường sắt, hợp tác về công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực, sản xuất toa xe…

Về phía Nga, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Nga xác định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á Âu mà Nga là thành viên.

Ông đề cao việc thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng logistics, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và khuyến khích các dự án hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Thủ tướng Nga cũng khẳng định mối quan hệ kinh tế song phương sẽ tiếp tục được củng cố, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao và logistics, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và đóng góp vào lợi ích chung của cả hai quốc gia.

Đánh giá kim ngạch thương mại song phương hiện nay mới khoảng gần 5 tỷ USD là chưa tương xứng với tiềm năng lớn giữa hai nước, Thủ tướng Nga mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh hợp tác giao thông vận tải; cũng như cung ứng sản phẩm công nghiệp, hợp tác triển khai dự án điện hạt nhân.

Đánh giá cao sự phát triển thương mại điện tử và nỗ lực số hóa quản lý nhà nước của Việt Nam, Thủ tướng Nga cũng cho biết phía Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác trong an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo.

Đầu tư sang Nga để nắm bắt "điểm vàng" trong kinh doanh

 Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Liên bang Nga. (Ảnh: VGP).

Tại buổi Đối thoại, các doanh nghiệp Việt Nam đã chia kinh nghiệm triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Nga.

 

Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết TH hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Nga trong lĩnh vực nông nghiệp. Quyết định vì tình nghĩa, mà đó cũng là quyết định nắm bắt "điểm vàng" trong kinh doanh, bởi các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp của nước Nga rất minh bạch và hấp dẫn, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, khích lệ được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đơn cử, dự án của TH hiện đang nhận được các hỗ trợ như hoàn 30% tổng giá trị đầu tư, hỗ trợ 3/4 lãi suất… TH cam kết đầu tư lâu dài tại Nga và mong muốn các chính sách ưu đãi cho các dự án sẽ được bảo lưu.

Về phía doanh nghiệp Nga, các đại diện từ Trung tâm Xuất khẩu Nga, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga cũng đã chia sẻ quan điểm về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng nêu ra một số thách thức như quy trình thông quan tại Nga còn phức tạp, thiếu hụt cơ sở hạ tầng logistics và đề nghị các chính sách đầu tư cần cải thiện.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm