"Xuất khẩu là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, song doanh nghiệp nội địa hiện vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong kỷ nguyên mới" diễn ra ngày 14/1.
Theo ông, dù duy trì xuất khẩu khá tích cực, song tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm. "Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Dương cho hay.
Giá trị gia tăng của DN nội trong xuất khẩu đang giảm
Theo Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước trong xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm, từ 59,5% năm 2005 xuống 55,1% năm 2015, và còn 52,0% năm 2020. Đáng chú ý, phần giá trị gia tăng trong nước trong xuất khẩu tăng với tốc độ chậm lại.
Nhấn mạnh một số nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Dương cho biết, hiện doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sẵn mạng lưới, trong khi trình độ lao động trong nước thấp, doanh nghiệp thiếu kênh thông tin về chiến lược mua hàng của FDI và khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế.
“Việc các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị do một số nguyên nhân quan trọng,” ông Dương nói.
Cơ hội gia tăng giá trị
Ông cũng nhấn mạnh, các nước phát triển tăng cường quy định xanh, gây ảnh hưởng đến nhập khẩu và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và tác động môi trường của các sản phẩm, đặc biệt tại các nước phát triển.
Các biện pháp phi thuế quan như thế này sẽ thường xuất hiện dưới dạng những tiêu chuẩn về môi trường sản xuất, trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, giải pháp tận thu, sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu phát thải, tổ chức quản lý…
Đồng thời, xuất khẩu xanh có thể mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, thông qua thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các quy định về công nghệ bảo vệ môi trường, sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và góp phần thu hút đầu tư có chất lượng hơn.
"Xuất khẩu xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Vì vậy, doanh nghiệp phải nắm vững xu thế này để giữ tốc độ tăng trưởng, giữ được thị phần", Trưởng Ban Nghiên cứu CIEM khuyến nghị.
Theo ông Dương, các quy định xanh sẽ trở thành "luật chơi" bắt buộc trên thị trường quốc tế kể từ năm 2025 và có thể trở thành rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho hay, không chỉ EU mà các quốc gia trên thế giới cũng đang đặt ra những hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm "chưa xanh".
"Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội, vì nếu làm được những sản phẩm xanh, chắc chắn giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Vượt qua được những hàng rào xanh của các nước phát triển có nghĩa là chúng ta đã tạo ra được những giá trị mới, lợi nhuận tăng thêm", ông Tuấn nhấn mạnh.
Điều này là cơ hội rất tốt nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị xanh hoá. Hiện mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với xuất khẩu xanh chưa cao.
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào tháng 7/2024 cho thấy, khoảng 64% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết “chưa chuẩn bị gì” cho quá trình chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin và chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi xanh và thúc đẩy xuất khẩu xanh. Khảo sát của Ban IV cho thấy 97% doanh nghiệp ngành giấy chưa biết nghĩa vụ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, dù chính sách này đã có hai năm.
Trong bối cảnh các nước như Mỹ, châu Âu – các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – đều đưa ra quy định khắt khe về giảm phát thải các-bon với hàng nhập khẩu, việc các doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra sức ép rất lớn trong tương lai, chuyên gia nhấn mạnh.