Tài chính

Việt Nam là điểm đến đầu tư sản xuất hàng đầu: Giấc mơ của bốn "ông lớn" Đông Nam Á khác

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - đáng mơ ước hơn các quốc gia Đông Nam Á khác như các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Điều này khiến nhiều người thắc mắc tại sao Việt Nam lại là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư đến như vậy?

Theo trang Trade Finance Global, việc mức lương tăng, gia tăng căng thẳng với Mỹ và gần đây là các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 ở Trung Quốc đang khiến nhiều nhà sản xuất phải nhìn ra ngoài biên giới "Công xưởng của thế giới" khi quyết định địa điểm đặt nhà máy của họ.

Và để giải đáp cho câu hỏi trên, trong bài viết mới đây, trang Trade Finance Global đã chỉ ra 4 lý do quan trọng.

Đó là chi phí lao động thấp hơn, tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn, và cuối cùng là đảm bảo an ninh tốt cùng sự ổn định chính trị.

Việt Nam là điểm đến đầu tư sản xuất hàng đầu: Giấc mơ của bốn ông lớn Đông Nam Á khác - Ảnh 1.

Hà Nội, Việt Nam

Chi phí lao động thấp hơn

Trung Quốc từng được coi là "công xưởng giá rẻ" của thế giới.

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, mức lương ở Trung Quốc đã tăng đều đặn, buộc nhiều nhà sản xuất phải tìm kiếm nguồn lao động đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa của họ.

Theo dữ liệu từ trang Trade Finance Global, mức lương trung bình hàng tháng của Việt Nam thấp hơn khoảng một phần ba so với mức lương ở các quốc gia ASEAN-4 và khoảng một nửa so với mức lương ở Trung Quốc.

Việt Nam là điểm đến đầu tư sản xuất hàng đầu: Giấc mơ của bốn ông lớn Đông Nam Á khác - Ảnh 2.

So sánh mức lương tháng bằng USD ở một số quốc gia (thống kê vào tháng 2/2021).

Đối với các nhà sản xuất mà chi phí lao động thường có thể chiếm 20-30% tổng giá trị bán hàng tổng thành phẩm của họ, việc tận dụng mức lương thấp hơn có thể dẫn đến một lợi thế kinh doanh đáng kể.

Chi phí lao động thấp hơn là một trong những lý do khiến nhiều công ty sản xuất chuyển đến Việt Nam trong thập niên qua. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định địa điểm đặt nhà máy.

Các công ty cũng phải xem xét các yếu tố như tích hợp chuỗi cung ứng.

Tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn

Việc kết hợp các nhà sản xuất Việt Nam vào chuỗi cung ứng là tương đối đơn giản cả ở thượng nguồn (các hoạt động giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp) và hạ nguồn (các hoạt động nhằm phân phối sản phẩm tới khách hàng).

Xét về chuỗi cung ứng thượng nguồn, gần như có nhà sản xuất Đông Nam Á nào có thể hoàn toàn thoát khỏi "trường hấp dẫn" của Trung Quốc.

Với sản lượng sản xuất trị giá hơn 3,8 nghìn tỷ USD mỗi năm, chiếm 28,7% tổng sản lượng toàn cầu, rất có thể bất kỳ nhà sản xuất nào cũng sẽ dựa vào các linh kiện của Trung Quốc tại một thời điểm nào đó trong chuỗi cung ứng thượng nguồn của họ.

Không giống như các quốc gia ASEAN-4, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc. Biên giới chung này giúp các công ty sản xuất ở Việt Nam dễ dàng hòa nhập hơn vào mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc, loại bỏ nhu cầu chuyển các bộ phận linh kiện qua nhiều quốc gia, giúp giảm thuế.

Về hạ nguồn, việc kết hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng là một quá trình ít gặp khó khăn. Có được điều này là do Việt Nam có hai sân bay quốc tế, một số cảng lớn, nguồn điện đáng tin cậy và truy cập internet dễ dàng.

Thêm vào đó, tại Việt Nam, hầu hết các nhà cung cấp đều nằm gần sân bay hoặc cảng biển lớn. Điều này giúp cho việc vận chuyển hàng hóa thành phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, việc cung cấp nguyên liệu cần thiết cho nhà máy và đưa hàng hóa thành phẩm ra khỏi đất nước chỉ là một khía cạnh của thương mại quốc tế. Các công ty hoạt động xuyên biên giới cũng phải đối phó với nhiều rào cản thương mại khác, chẳng hạn như thuế quan.

Tiếp cận thương mại tự do tốt hơn

Theo trang Trade Finance Global, việc dễ dàng sản xuất hàng hóa với chi phí thấp chỉ là một trong những nguyên nhân giúp Việt Nam thành công, bởi doanh nghiệp cũng phải có khả năng bán những hàng hóa này cho khách hàng và điều này thường liên quan đến việc giữ giá thấp.

Việt Nam là điểm đến đầu tư sản xuất hàng đầu: Giấc mơ của bốn ông lớn Đông Nam Á khác - Ảnh 3.

Những hiệp định thương mại tự do đáng chú ý mà Việt Nam đang là thành viên.

So với nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam rất dễ bán hàng hóa được sản xuất trong nước sang các nước khác mà không phải trả thêm chi phí không cần thiết. Điều này có được là do Việt Nam hiện là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do khác nhau bao gồm hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý nhất, có thể kể đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)

Đối với các nhà sản xuất, điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể được bán sang các thị trường khác, bao gồm nhiều thị trường giàu có hơn ở phương Tây, mà không cần phải trả mức thuế quá cao.

An ninh tốt, chính trị ổn định

Một lý do khác nữa khiến các nhà đầu tư có thể đổ xô đến Việt Nam là do yếu tố chính trị ổn định và an ninh tốt.

Việt Nam là điểm đến đầu tư sản xuất hàng đầu: Giấc mơ của bốn ông lớn Đông Nam Á khác - Ảnh 4.

Chỉ số về ổn định chính trị và không có bạo lực/khủng bố (càng cao càng an toàn).

Tuyên bố về Môi trường Đầu tư năm 2021 tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam đa phần ổn định và rất hiếm khi xảy ra các cuộc biểu tình và bất ổn dân sự".

Theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng cao hơn nhiều nước Đông Nam Á, bao gồm 3 trong số các quốc gia ASEAN-4, về mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực.

Kết bài viết, trang Trade Finance Global cho rằng, chính sự kết hợp của cả 4 yếu tố này đã tác động đáng kể tới các nhà đầu tư.

Theo trang mạng này, Việt Nam cũng đã khắc phục rất tốt sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra, nên vẫn được coi là một trung tâm sản xuất chủ chốt và đang phát triển.

Khi chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên toàn thế giới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc trong nước, Việt Nam sẽ vẫn nổi bật với tư cách là một trung tâm sản xuất đang lên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm