Nhân chuyến công tác tại Quảng Nam, trưa 27-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Quốc hội có chuyến thăm và làm việc tại Thaco Chu Lai.
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của THACO đạt gần 50.000 tỷ đồng và xuất khẩu đạt hơn 178 triệu USD. Kế hoạch cả năm 2022 đạt 107.633 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu là 533 triệu đô. Chiến lược của THACO là tiến đến tự cân đối ngoại tệ trong nhập khẩu linh kiện và xuất khẩu xe, linh kiện phụ tùng và sản phẩm nông nghiệp.
Với 6 Tập đoàn/Tổng công ty thành viên, đến nay THACO có tổng nhân sự là hơn 60 ngàn người, trong đó tại Chu Lai là hơn 12 ngàn người.
Từ năm 2022, THACO đã Tái cấu trúc trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, bao gồm: Ô tô; Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp; Giao nhận Vận chuyển; Thương mại Dịch vụ và Đầu tư xây dựng, có tính bổ trợ, tính tích hợp cao và cũng là những ngành kinh tế trọng yếu của nền kinh tế Đất nước, với sứ mệnh "Mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội và phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ".
Mảng ô tô chiếm 40% thị phần Việt Nam
Với mảng ô tô, 6 tháng đầu năm Thaco Auto đã bán được 66 ngàn xe, chiếm thị phần 40% cao nhất và gấp đôi so với hãng xe đứng thứ 2 tại Việt Nam và xuất khẩu là hơn 1.400 xe, kế hoạch cả năm 2022 sẽ bán ra hơn 142 ngàn xe. Từ khi đầu tư và bắt đầu sản xuất tại Chu Lai vào năm 2004 đến cuối năm 2022, tổng doanh số đạt mốc hơn 1 triệu xe. Hệ thống bán lẻ của THACO AUTO hiện nay có 341 điểm bán hàng.
Tổ hợp các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô được đầu tư tự động hóa với tỉ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam là: xe du lịch từ 22-40%, xe tải đạt trên 45% và xe bus trên 60%. Bên cạnh đó, Thaco Auto còn hợp tác với các đối tác để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất lắp ráp ô tô điện thương hiệu quốc tế cho tại thị trường Việt Nam & xuất khẩu.
Thaco cũng đang nghiên cứu phát triển và sản xuất xe điện các loại mang thương hiệu THACO (bao gồm: xe tải, xe bus, xe du lịch, xe máy điện) và nền tảng số hóa nhằm cung cấp cho thị trường Giải pháp vận chuyển thông minh và xanh, sạch trong các thành phố lớn trên cả nước.
Mảng cơ khí và công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu gần 100 triệu USD
Tổ hợp Cơ khí chế tạo & Công nghiệp hỗ trợ của Thaco với quy mô gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 19 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, từng bước cung cấp cho các đối tác bên ngoài và xuất khẩu như: Toyota, Hyundai, Isuzu; Xe máy Piaggio tại Việt Nam và chế tạo các sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan, Makitech,…
Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Thaco Industries đạt hơn 5.500 tỷ đồng và xuất khẩu gần 100 triệu đô. Dự kiến cả năm 2022 đạt: 13.700 tỷ đồng và xuất khẩu gần 260 triệu đô.
Năm 2022, Thaco Industries sẽ đầu tư thêm 4 nhà máy, bao gồm: Nhà máy sản xuất Cấu kiện nặng; Nhà máy sản xuất Thiết bị Chuyên dụng; Nhà máy sản xuất Khuôn; Tổ hợp Nội thất xe Tải bus và thêm 17 nhà máy khác đến năm 2025, đưa tổng số các nhà máy Cơ khí & CNHT là 36 nhà máy.
Dựa trên mô hình Cơ khí & CNHT đã thành công tại Chu Lai, trong năm 2022 Thaco Industries sẽ triển khai đầu tư 02 Khu công nghiệp sản xuất Cơ khí và CNHT tại Phía Bắc và Phía Nam theo mô hình Khu công nghiệp chuyên ngành thế hệ mới, với xu thế thông minh và ứng dụng số hóa phù hợp, đầu tư tối ưu nhằm giảm tối đa chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm thông qua hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhà máy Thaco tại Chu Lai
Mảng nông nghiệp (Thagrico) dự kiến xuất khẩu gần 300 triệu USD năm 2022
Từ năm 2018, THACO đã giải cứu Công ty HAGL Agrico trên bờ vực phá sản bằng hình thức mua lại toàn bộ diện tích 84.000 hecta cây cao su và cọ dầu; phát triển thành ngành sản xuất kinh doanh nông nghiệp của THACO với chiến lược: Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, cơ giới hóa.
Đến nay, tổng diện tích đang khai thác là gần 40.000 hecta, trong đó diện tích vườn cây ăn trái là hơn 23.000 hecta và diện tích cao su được giữ lại là hơn 16.000 hecta; Diện tích nuôi bò bán chăn thả là 8.600 hecta đã triển khai chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả và vỗ béo tập trung với quy mô lên đến 260.000 con; Diện tích trang trại heo là 2.468 hecta, tập trung tại Cao Nguyên, Lào và Campuchia.
Kết quả 6 tháng đầu năm đã xuất khẩu 123.000 tấn trái cây và 1.800 tấn mủ cao su, với doanh thu xuất khẩu đạt 81 triệu đô. Kế hoạch năm 2022 sẽ xuất khẩu là hơn 330.000 tấn trái cây và 13.000 tấn mủ cao su với doanh thu xuất khẩu gần 300 triệu đô. Tiếp tục đầu tư phần diện tích đất còn trống với kế hoạch đồng bộ và bài bản.
Tại Chu Lai, THAGRICO đã đầu tư KCN chuyên Nông lâm nghiệp bao gồm: Trung tâm thực nghiệm, Khu chế biến sản phẩm trái cây, thịt gia súc, Khu sản xuất nguyên liệu gỗ và sản phẩm đồ gỗ, hướng đến thị trường xuất khẩu là chính. Trong quý IV/ 2022, THAGRICO cùng với đối tác Monte Carlo Fruit (Ý) khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến trái cây với công suất 36.000 tấn/năm, có tổng vốn đầu tư là 465 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường xuất khẩu là Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.
Mảng giao nhận vận chuyển (THILOGI)
Với mục tiêu tự giải quyết bất cập về giao nhận vận chuyển tại Quảng Nam và miền Trung trong thời gian đầu, đến nay đã phát triển năng lực phục vụ ra bên ngoài hơn 50%, bao gồm: Cảng Quốc tế, Vận tải biển và Vận tải đường bộ.
Hiện nay, Cảng Chu Lai đã có các tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp từ Chu Lai đến các cảng lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; đồng thời, cũng hình thành tuyến vận tải đường biển nội địa Tp.Hồ Chí Minh - Chu Lai - Hải Phòng và ngược lại. Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Chu Lai: từ ban đầu cao hơn 2 đầu Nam - Bắc là 50%, đến nay chỉ còn cao hơn khoảng 10%.
Trong 6 tháng đầu năm tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 1,9 triệu tấn, dự kiến năm 2022 đạt trên 4,5 triệu tấn, trong đó: 70.000 con’t hàng nhập khẩu; 14.000 con’t nông sản cho THACO; 10.000 con’t hàng hóa xuất khẩu và 25.000 con’t cho khách hàng bên ngoài (bình quân 400 con’t/ngày) và hàng rời là 1,5 triệu tấn. Năm 2023, dự kiến hàng qua cảng sẽ tăng lên hơn 8,3 triệu tấn do nhu cầu xuất khẩu nông sản tăng cao. Tuy nhiên, luồng hiện hữu có độ sâu 8m với chiều dài lên đến 11km, tàu ra/ vào rất khó khăn và chỉ đáp ứng được cho tàu 2 vạn tấn, vừa đủ vận chuyển hàng hóa cho THACO và một ít khách hàng bên ngoài.
Do vậy, phải triển khai xây dựng tuyến luồng mới nhân tạo và mở rộng bến cảng, tiếp nhận được tàu 5 vạn tấn, đồng thời phát triển hàng xuất khẩu để đối lưu với linh kiện phụ tùng ô tô nhập khẩu từ nước ngoài về Cảng Chu Lai, giúp giảm chi phí vận chuyển đường biển. Mục tiêu là đưa Cảng Chu Lai trở thành Cảng chuyên dụng container Quốc tế có chi phí vận chuyển tương đương với Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh kết nối đường bộ thuận lợi với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và đường biển với 2 miền Nam - Bắc.
Mảng thương mại dịch vụ (THISO): Sẽ đưa vận hành đại siêu thị vào cuối năm 2022
Được thành lập để phát triển kinh doanh Thương mại – Dịch vụ trong Hệ sinh thái THACO với chiến lược là đầu tư - kinh doanh và vận hành các Khu phức hợp bao gồm: Trung tâm thương mại, Trung tâm hội nghị, Cao ốc văn phòng/khách sạn, showroom ô tô theo mô hình hiện đại; Phát triển kinh doanh bán lẻ tiêu dùng trên cơ sở nhượng quyền thương mại với Emart (Hàn Quốc) tại thị Trường Việt Nam theo mô hình "Một điểm đến - Nhiều tiện ích và dịch vụ". Hiện nay, THISO đã đưa vào vận hành giai đoạn một của Dự án THISO Myanmar Yangon (bao gồm văn phòng, TTTM, khách sạn); Kế hoạch đưa vào vận hành Phức hợp THISO Sala Thủ Thiêm vào tháng 12/2022 và Đại siêu thị kết hợp thương mại THISO Phan Huy Ích vào quý I/2023.
Tại Chu Lai, sẽ đầu tư và đưa vào hoạt động Đại siêu thị kết hợp thương mại THISO Chu Lai, theo mô hình bán sỉ cho các huyện thị thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và phục vụ cho người dân và các doanh nghiệp Khu Kinh tế mở Chu Lai và huyện Núi Thành, đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Mảng xây dựng: Đầu tư hàng nghìn ha đất khu công nghiệp
Với kinh nghiệm xây dựng các công trình tại Chu Lai như là: Khu công nghiệp, các nhà máy, cảng tại Chu Lai và các showroom bán lẻ ô tô trên toàn quốc. Từ đó, THADICO đã hình thành và trở thành Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư – xây dựng.
Năm 2012, THADICO đã tham gia đầu tư phát triển và xây dựng mở rộng ra bên ngoài với các dự án: Khu công nghiệp, Khu đô thị, Hạ tầng – Giao thông – Kỹ thuật và Bất động sản có tính đồng bộ và bổ trợ cho nhau. Hiện nay, THADICO hoàn thành Dự án 4 Tuyến đường chính của Khu đô thị Mới Thủ Thiêm, Tp. HCM và mới hoàn thành đưa vào sử dụng Cầu Thủ Thiêm 2 trong dịp Lễ 30/4 vừa qua.
Tại Chu Lai, THADICO đã đầu tư KCN Cơ khí Ô tô 243 hecta và tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 115 hecta; KCN chuyên Nông lâm nghiệp 451 hecta; Khu cảng, logistics & phi thuế quan 142 hecta; Đang triển khai nghiên cứu đề xuất đầu tư Khu đô thị Chu Lai 329 hecta nhằm phát triển đô thị thương mại cho Khu Kinh tế mở Chu Lai với đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, thương mại và các dịch vụ thiết yếu khác cho cuộc sống, qua đó thu hút được chuyên gia nước ngoài, nhân sự cao cấp đến làm việc tại Chu Lai.
Với 6 trụ cột chính, Thaco đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Bình quân hàng năm THACO nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó tại Quảng Nam là hơn 15.000 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 THACO đã nộp gần 18.000 tỷ đồng, trong đó tại Quảng Nam là: 14.700 tỷ đồng (trong đó: thuế nội địa là 9.848 tỷ đồng và thuế xuất nhập khẩu là 4.893 tỷ đồng). Dự kiến cả năm 2022 nộp 38.511 tỷ đồng, trong đó tại Quảng Nam khoảng 30.700 tỷ đồng.
THACO cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội và đã đóng góp gần 2.290 tỷ đồng cho các chương trình: an sinh xã hội và từ thiện. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM và các tỉnh miền Tây, tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức các biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt và hiệu quả.
Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất an toàn, THACO đã tập trung nghiên cứu phát triển và sản xuất kịp thời các sản phẩm xe y tế phục vụ phòng chống dịch. THACO đã tài trợ 63 xe cứu thương; 63 xe vận chuyển vắc xin ; 157 xe tiêm chủng lưu động; gần 5 triệu bộ kit test nhanh Covid-19 và các trang vật tư y tế,... với tổng giá trị hơn hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra đã cung cấp cho các doanh nghiệp khác gần 250 xe cứu thương, 30 xe xét nghiệm PCR lưu động với công suất 3000 mẫu/ngày để tài trợ, đồng hành cùng hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương.