Phi lý hay hợp lý?
Phố Wall thực sự khiếp sợ trước nguy cơ suy thoái. Lạm phát của Mỹ đang ở đỉnh 40 năm và Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) đang mạnh tay tăng lãi suất. Tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đều đang chậm lại.
Các vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trên thị trường bất động sản trong bối cảnh lãi suất vay thế chất tăng vọt. Tâm lý người tiêu dùng xuống dốc. Vậy nên dễ hiểu tại sao chứng khoán Mỹ lại rơi vào thị trường gấu.
Cùng với sự công bố đều đặn của các dữ liệu kinh tế ảm đạm, nhà đầu tư rơi vào tâm trạng bí bách. Chỉ số Sợ hãi và Tham lam của CNN Business đã mắc kẹt trong lãnh thổ “Sợ hãi” suốt nhiều tháng. Nhưng nỗi thấp thỏm lo sợ nhiều khi còn tồi tệ hơn thực tế, và thị trường chứng khoán Mỹ đang mong ai đó tuyên bố luôn rằng suy thoái đã xuất hiện để đỡ phải nhọc công lo lắng.
Ông Josh Brown, CEO công ty quản lý tài sản Ritholtz Wealth nói rằng công chúng nói về suy thoái càng lâu thì càng có nhiều khả năng nền kinh tế sẽ tiếp tục phải chịu đau đớn. Tự thân nỗi sợ suy thoái sẽ tạo ra nhiều sự sụt giảm hơn. Tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư tác động đến nền kinh tế và “chúng ta có thể tạo ra một cuộc suy thoái chỉ bằng lời nói của mình”.
Ông giải thích trong lưu ý: “Nếu có đủ người tin rằng đã đến lúc họ nên tiết chế chi tiêu, rồi hành động theo niềm tin đó thì suy thoái sẽ trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
Suy thoái là điều không thể tránh khỏi, chúng là phần tất yếu của mọi chu kỳ kinh doanh. Suy thoái sẽ luôn xảy ra, và không sự suy đoán hay trì hoãn nào có thể ngăn chặn suy thoái. Đó là lý do một số nhà phân tích Phố Wall đang hy vọng rằng Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) sẽ chính thức tuyên bố rằng Mỹ đang ở trong suy thoái và giúp thị trường thoái khỏi nỗi sợ.
Ông Kevin Gordon, chuyên gia nghiên cứu đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab bày tỏ: “Mỹ đón suy thoái càng sớm thì càng tốt”.
Tuy nhận định này có vẻ phi lý, nhưng ông Gordon cho rằng ngày bắt đầu suy thoái đến sớm sẽ là điều có lợi cho nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc điểm bước ngoặt cho thị trường chứng khoán sẽ được kéo lại gần thay vì bị đẩy ra xa, và thị trường sẽ chạm đáy sớm hơn mọi người nghĩ.
Sau đó, nhà đầu tư có thể chuyển sang chu kỳ kế tiếp: tìm kiếm hy vọng. Các nhà kinh tế ví đây là việc đi tìm chồi xanh sau một đám cháy rừng.
Ông Gordon nói tiếp: “Giả định rằng suy thoái sẽ bắt đầu trong năm 2023 là điều tích cực cho nền kinh tế. Nhưng với chứng khoán, lối suy nghĩ này thực chất lại mang tính tiêu cực...”
Đừng vội mong chờ
Theo tờ CNN, suy thoái xảy ra trong năm 2023 có thể sẽ khiến cho chứng khoán Mỹ chìm trong thị trường gấu thêm nửa năm nữa, khiến nền kinh tế càng bị tổn thương. Nhưng việc xác định suy thoái sớm hơn sẽ mang đến cuộc phục hồi sớm hơn, đồng nghĩa với sự trở lại nhanh chóng hơn của tâm lý chấp nhận rủi ro và sự gia tăng của lợi nhuận doanh nghiệp. Lợi nhuận tổng thể của doanh nghiệp Phố Wall chưa bao giờ đi lên khi nền kinh tế hướng đến suy thoái.
Điều quan trọng nhất là việc tuyên bố suy thoái sớm sẽ giúp áp lực lạm phát suy giảm nhanh chóng hơn, cho phép Fed nhanh chóng kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm thiểu tổn hại kinh tế và gia tăng cơ hội đầu tư.
Rắc rối là NBER nổi tiếng chậm chạp trong việc xác định và tuyên bố suy thoái. Phải đến tháng 6/2020, NBER mới tuyên bố về cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra từ tháng 2, và đấy còn là nhanh chóng hơn thường lệ.
Do đó, tin buồn với các nhà đầu tư Phố Wall là cuộc tranh cãi về suy thoái gần như chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều tháng nữa. Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc Bank of America dự đoán “suy thoái nhẹ” sẽ bắt đầu tại Mỹ trong năm 2022 và dịu đi trong 2023.
Suy thoái không bao giờ là điều hay, nhưng một cuộc suy thoái ngắn và nhẹ vẫn tốt hơn nhiều nguy cơ lớn lơ lửng trong tương lai.