Thời sự

Việt Nam đứng đầu về tăng trưởng GDP quý III trong ASEAN-6

Việt Nam dẫn đầu ASEAN-6

Theo số liệu thống kê, trong quý III, Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%. Tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, (đóng góp 5,37%); Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19% (đóng góp 46,22%), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%. Khu vực dịch vụ tăng 6,95% (đóng góp 48,41%).

Trên cơ sở kết quả của quý III và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% của cả năm, nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn 7%.

 Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp

Malaysia ở vị trí thứ hai

Theo Cục Thống kê Malaysia, nhờ hai trụ cột dịch vụ và sản xuất, tăng trưởng GDP của nước này trong quý III tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo 5,1% của giới chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg.

Kết quả này kéo tăng khả năng quốc gia Đông Nam Á này có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra cho năm nay là 4 - 5%.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đã nâng mục tiêu tăng trưởng của nước này năm nay lên từ 4,8-  5,3% với kỳ vọng tốc độ phục hồi nhanh chóng. Trong năm sau, Chính phủ Malaysia kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng trong khoảng 4,5 - 5,5%.

Philippines đứng thứ ba

Ở vị trí thứ ba là Philippines với GDP của quốc gia này trong quý III đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước đó, sụt giảm so với mức 6,4% ghi nhận trong quý II và thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng của quý I là 5.8%.

Nguyên nhân là 6 cơn bão đổ bộ vào Philippines trong quý này đã tàn phá mùa màng khiến sản lượng nông nghiệp giảm mạnh nhất trong gần 4 năm, xuống còn 3,7% và làm chậm trễ các dự án của Chính phủ chỉ tăng 5% so với mức 11,9% trong quý trước đó.

Ngược lại, nhờ sự cải thiện nhẹ trong chi tiêu của người tiêu dùng đã hỗ trợ tăng trưởng cho kinh tế. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng ghi nhận tăng 1,7%, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế về mức tăng 1,5% và mức tăng 0,7% của quý trước; trong khi tiêu dùng nội địa ghi nhận mức tăng 5,1%, cao hơn so với mức tăng 4,7% của quý II. 

Mặc dù vậy, Philippines kỳ vọng tăng trưởng sẽ lấy lại đà trong quý cuối cùng khi lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Tuy vậy, để có thể đạt được mục tiêu 6 - 7%, tăng trưởng GDP của Philippines sẽ cần đạt ít nhất 6,5% trong quý 4.

Xếp vị trí thứ tư là Indonesia

Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Indonesia công bố, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong quý III ghi nhận tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng một năm qua trong bối cảnh mức tiêu dùng hộ gia đình ở quốc gia này tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, tiêu dùng hộ gia đình, vốn chiếm khoảng một nửa GDP của Indonesia, ghi nhận mức tăng 4,91% trong quý III, chi tiêu chậm lại cho các mặt hàng như quần áo và nhà ở.

Ở chiều ngược lại, đầu tư tăng 5,15% so với cùng kỳ năm trước là tốc độ tăng nhanh nhất trong một năm, nhờ vào khoản đầu tư vào thủ đô mới và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Bên cạnh đó, chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu cũng cũng ghi nhận tăng trưởng ở mức cao.

Singapore xếp vị trí thứ 5

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, trong quý III, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,9% của quý II và vượt mức tăng trưởng 3,8% được các nhà kinh tế dự báo với Reuters.

Theo đó, ngành sản xuất Singapore đã tăng trưởng 7,5% trong quý III sau khi giảm 1,1% trong quý II nhờ sự mở rộng sản lượng trên tất cả các cụm sản xuất, ngoại trừ sản xuất y sinh, ngành xây dựng tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự gia tăng các dự án khu vực công; và các ngành dịch vụ, thông tin và truyền thông, tài chính và bảo hiểm và dịch vụ chuyên nghiệp ghi nhận tăng trưởng chung ở mức 4,3%.

Trước đó, vào tháng 8, MTI đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 thành ngưỡng 2,0 - 3,0%, thay vì mức 1- 3% trước đó.

Thái Lan tăng trưởng thấp nhất

Thái Lan là nước có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhóm. Dữ liệu chính thức từ Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) ngày 19/8 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã tăng trưởng 3% trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9 so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này vượt kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng trưởng trong một cuộc thăm dò của Reuters là  2,6% nhờ đầu tư, du lịch và xuất khẩu mạnh hơn; trong khi lĩnh vực công nghiệp giảm tốc và sản xuất nông nghiệp giảm.

NESDC dự báo du lịch và xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Thái Lan trong năm tới.

Cụ thể, cơ quan này dự kiến sẽ đón 36 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay, và tăng lên 38 triệu du khách vào năm 2025.

Còn tăng trưởng xuất khẩu lên 3,8% trong năm nay từ mức 2% được đưa ra trước đó và cho biết xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 2,6% vào năm 2025.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm