Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các cơ quan chức năng cùng Vietnam Airlines ghi nhận nhiều website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng để bán vé giá rẻ, nhưng thực chất là lừa tiền.
Các trang web này sử dụng tên miền gần giống tên của Vietnam Airlines, như vietnamairslines (thêm "s"), vietnamaairlines (thêm "a"), vietnamairlinesvn... Khi truy cập, người dùng được dẫn đến một trang có tính năng đặt vé, cùng logo và giao diện tương tự website chính thức. Khi tra cứu vé, người dùng có thể nhận được thông báo "hết vé", đồng thời được đề nghị để lại số điện thoại, tên để được hỗ trợ nhanh nhất.
Theo Cục An toàn thông tin, kẻ gian sau đó sẽ liên hệ để hướng dẫn người dùng mua vé và đề nghị thanh toán online gấp. Tuy nhiên, họ có thể chỉ nhận được mã đặt chỗ và có thể bị hủy sau thời gian ngắn. Có trường hợp nhận vé thật, nhưng sẽ bị kẻ gian chủ động hủy, chấp nhận mất một khoản phí để chiếm toàn bộ tiền của người dùng. Nạn nhân chỉ phát hiện khi ra sân bay làm thủ tục.
"Các giao dịch được thực hiện trực tuyến. Sau khi nhận tiền, chúng sẽ cắt liên lạc", Cục cho biết.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng ghi nhận trường hợp người dùng nhận được email hoặc tin nhắn thông báo "trúng thưởng", ưu đãi vé máy bay và cần truy cập đường link để nhận. Khi làm theo, họ có thể bị lấy cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc yêu cầu thanh toán.
Trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng cao dịp cuối năm và gần Tết, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng khi có nhu cầu cần thực hiện giao dịch thông qua website chính thống, kiểm tra kỹ địa chỉ, ứng dụng di động hoặc trực tiếp tại phòng vé và đại lý chính thức của hãng.
"Nếu nhận được những lời mời chào vé máy bay quá rẻ, không nên vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể là chiêu trò của đối tượng xấu với mục đích lừa đảo", Cục khuyến cáo. Ngoài ra, người dùng cũng hạn chế truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.