Tài chính

"Viên ngọc thô trong bản đồ của du lịch VN" sẽ thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực

Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 về Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045.

Phạm vi ranh giới quy hoạch bao gồm tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 5 xã Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông. Diện tích nghiên cứu lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen khoảng 90.152 ha.

Mục tiêu phát triển Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống.

"Viên ngọc thô trong bản đồ của du lịch VN" sẽ thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực- Ảnh 1.

Phát triển Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung.

Xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những động lực phát triển du lịch cả nước. Phấn đấu đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực, với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đón 5 triệu lượt khách/năm

Măng Đen là một thị trấn nhỏ, rộng 148,07 km2 trên cao nguyên, thuộc huyện Kon Plong, cách thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum khoảng 60 km. Măng Đen được mệnh danh là "Đà Lạt thu nhỏ".

Măng Đen trong thời gian gần đây đang nổi lên như một viên ngọc thô trong bản đồ của du lịch Việt Nam. Thị trấn này còn khá hoang sơ, chưa có nhiều hàng quán, tiện ích, dịch vụ vui chơi giải trí. Măng Đen thích hợp để bạn đến trải nghiệm hơn là hưởng thụ.

Theo Trang Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Kon Tum, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen đang hiện hữu các tài nguyên hữu hình mà hầu như du khách trong nước đang quan tâm như Khu rừng thông già ngay trong thị trấn hiện xanh tươi của Măng Đen là tài sản vô cùng quý giá để làm du lịch; Trung tâm hồ Đăk Ke (còn gọi là hồ Trung tâm) - nơi mà sắc màu thiên nhiên luôn hòa trộn cả không gian và thời gian vô cùng quyến rũ luôn làm đắm lòng du khách.

"Viên ngọc thô trong bản đồ của du lịch VN" sẽ thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực- Ảnh 2.

Mùa đông là thời điểm khách du lịch đến Măng Đen nhiều nhất, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm. Các loại hình du lịch trên địa bàn chủ yếu là Du lịch sinh thái; Du lịch cộng đồng; Du lịch, thể thao và dã ngoại; Du lịch văn hóa - tâm linh; Các loại hình du lịch thương mại.

Năm 2022 điểm đến này đón được 600.000 nghìn lượt khách, thu về gần 250 tỷ đồng từ du lịch. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, ước tính Măng Đen đã đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Theo quy hoạch, quy mô khách du lịch dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm; đến năm 2045 đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm.

Để đạt được những mục tiêu trên, một trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu quy hoạch là phải nghiên cứu mô hình phát triển khu du lịch sinh thái, cấu trúc không gian đô thị - du lịch; phân bố hệ thống đô thị - nông thôn trên cơ sở kế thừa đồ án Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen; Quy hoạch chung đô thị Kon Plông... 

Cùng với đó, tổ chức không gian cho các chức năng Khu du lịch Măng Đen như trung tâm du lịch chính mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của khu du lịch, điểm du lịch vệ tinh, khu vực đô thị - nông thôn; các khu vực bảo vệ cảnh quan - di tích; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; rừng sản xuất khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian dành cho trung tâm du lịch chính, các điểm du lịch vệ tinh; thị trấn Măng Đen và các xã; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như trung tâm thị trấn Măng Đen - Măng Cành, nơi tập trung di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen; làng đồng bào dân tộc thiểu số...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm