Doanh nghiệp

Vì sao Thế giới di động bất ngờ tuyên bố rút hoàn toàn khỏi Campuchia và dồn lực vào Indonesia?

Một thông tin bất ngờ được chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hôm 16/2/2023, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết sẽ MWG đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia trong quý 1/2023 này.

Trong khi trước đó, MWG cho biết đã và đang chuyển đổi chuỗi điện máy này tại Campuchia, dự định mở thêm 10 cửa hàng trong năm 2022 và kỳ vọng đạt được điểm hoà vốn vào tháng 6. Bluetronics là bước đi đầu tiên của MWG trông cuộc khai thác thị trường quốc tế từ 5 năm về trước, tên gọi ban đầu là chuỗi BigPhone.

Sau 3 năm hoạt động tại đây, đến cuối năm 2020 MWG đã chuyển đổi hoàn toàn từ chuỗi điện thoại sang chuỗi điện máy và đổi tên thành Bluetronics. Tính đến cuối năm 2021, dù Campuchia cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Bluetronics theo MWG vẫn vượt qua và đạt được kế hoạch doanh thu.

“Hiện, mô hình Bluetronics tại Campuchia thì khá giống mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam, tức bán cả điện thoại, điện máy và sản phẩm vệ tinh khác. Mô hình tại Campuchia không phải mô hình khá tệ, thậm chí chúng tôi cũng đã “customize” (điều chỉnh) lại cho phù hợp với thị trường này hơn”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em nói.

Tại sao MWG lại có quyết định rút hoàn toàn trong thời gian ngắn?

Theo ông Hiểu Em, một phần nguyên nhân, do Campuchia là thị trường khá nhỏ, trong khi chính sách thuế bên đó rất phức tạp. Nếu theo đúng chính sách thuế bên đó, thì MWG phải bán giá cao hơn đến 10-15%, không còn cạnh tranh. Còn nếu hạ giá bán và chấp nhận mức thuế cao, thì Bluetronics không còn hiệu quả.

Như vậy, dừng lại chuỗi Bluetronics cũng là bước đi cần thiết để MWG tập trung nguồn lực cho thị trường Indonesia. Bởi, trái với thị trường Campuchia thì thị trường tại Indonesia lớn hơn nhiều, thậm chí có thể nói gấp đôi quy mô thị trường Việt Nam hiện nay. Và nhu cầu mua sắm của người Indonesia thì khá giống với người Việt Nam.

“Chúng tôi thấy được cơ hội ở thị trường Indonesia”

“Chúng tôi thấy được cơ hội ở thị trường Indonesia. Ở đây đang có sự chênh lệch giữa dòng sản phẩm điện thoại và điện máy. Ví dụ, tại Việt Nam nếu thị trường nói chung có quy mô 10 tỷ USD, thì điện máy chiếm 5 tỷ USD và điện thoại tương tự đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong khi con số tại Indonesia là 80% điện thoại và chỉ 20% là điện máy” , ông Hiểu Em nói.

Điện thoại thì khá tương đồng Việt Nam, trong khi thị trường điện máy tại Indonesia còn nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, tại sao thị trường điện máy lại kém phát triển tại Indonesia?

Theo MWG tìm hiểu là do vấn đề điện năng bên này, và hiện đã được khắc phục. Chưa kể, dịch vụ điện máy tại Indonesia còn rất kém. Cụ thể, nhà bán hàng chỉ bán sản phẩm, còn lại toàn bộ dịch vụ hậu cần là do chính hãng làm chứ không nằm trên vai trò nhà bán lẻ.

Như vậy, với việc mang mô hình kinh doanh đã hoàn thiện từ Việt Nam mang sang Indonesia, MWG sẽ cung cấp toàn bộ dịch vụ từ bán hàng đến lắp đặt, bảo trì…. Với sự khác biệt vậy, ông Hiểu Em nhấn mạnh cửa hàng đầu tiên của Era Blue được người tiêu dùng Indonesia đón nhận rất mạnh.

Được biết, cuối tháng 11/2022, MWG đã khai trương cửa hàng Era Bule đầu tiên tại Indonesia. Trong đó, Era Blue là thương hiệu thuộc liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue) - MWG hợp tác với đơn vị địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya.

Vì sao Thế giới di động bất ngờ tuyên bố rút hoàn toàn khỏi Campuchia và dồn lực vào Indonesia? - Ảnh 1.

Cửa hàng của MWG bên Indonesia.

“Đến nay, nếu tính thời gian kinh doanh tròn 1 tháng thì một shop Era Blue đang thu về 5 tỷ đồng cho cửa hàng 40m2. Doanh thu này tương đồng với Việt Nam hiện nay. Nếu tại Việt Nam, mức doanh thu này tương ứng cửa hàng đã có lời, còn tại Indonesia do ban đầu còn chi nhiều chi phí nên chưa có lời. Tôi tin rằng MWG sẽ không tốn nhiều thời gian hoàn thiện cửa hàng lớn và nhân rộng, từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc”, CEO nói thêm.

Về giá bán, so sánh với 2 nhà bán lẻ lớn sở tại mà MWG có quan sát và xem là đối trọng, thì giá của Era Blue ngang và thấp hơn một ít. Cũng nhấn mạnh, dù là nhà bán lẻ lớn song quy mô hai đối thủ này chỉ dừng lại ở hơn 60 cửa hàng.

Ngược lại, so với kênh truyền thống khác, giá bán của MWG tại đây có phần cao hơn. Song con số này theo ông Hiểu Em là bình thường. Bởi, kênh tryền thống bên Indonesia hiện rất tệ, giống với các cửa hàng nhỏ ở miền tây, thậm chí tivi họ còn trùm bao ni lông. Nên khi MWG mang qua mô hình trải nghiệm mua sắm thú vị sang thì bán giá đó là bình thường.

Theo kế hoạch, những cửa hàng điện máy của MWG sẽ tập trung ở một số thành phố lớn của Indonesia. Mục tiêu 5 năm MWG sẽ mở một số lượng nhất định. Dù chưa thể tiết lộ về tên gọi cũng như kế hoạch cụ thể, CEO cho biết có thể không chỉ là mục tiêu về quy mô cửa hàng, doanh thu… MWG còn lên cả chiến lược lên sàn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm