Doanh nghiệp

Vì sao sàn thương mại điện tử vẫn là thiết yếu trong chiến lược bán hàng trực tuyến?

Những năm gần đây, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của người tiêu dùng, và theo đó cũng trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho người kinh doanh. Ngoài các sàn thương mại điện tử vốn đi đầu và chiếm ưu thế trong làn sóng này, các kênh bán sở hữu (owned channel) và việc bán hàng qua mạng xã hội cũng dần phổ biến, trở thành các kênh chính được nhà bán hàng lựa chọn khi kinh doanh trực tuyến.

Với kênh sở hữu, nếu được xây dựng bài bản, đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ và có những nội dung ấn tượng, những kênh này sẽ là "bộ mặt đại diện" của thương hiệu, giúp gia tăng độ tin tưởng với khách hàng. Tuy nhiên, kênh sở hữu lại không có sẵn lưu lượng truy cập, vậy nên chủ các kênh sẽ phải chuẩn bị tinh thần, thời gian và tiền bạc để "bắt đầu từ con số 0", thông qua các công cụ như SEO và Google Ads. Cùng với đó, việc đưa website lên hiển thị đầu của Google khi người dùng tìm kiếm cũng không đơn giản.

Ngược lại, với kênh bán hàng qua mạng xã hội, ưu điểm của kênh lại là lưu lượng người dùng với khả năng truy cập vô cùng lớn. Tuy nhiên, các kênh này lại có nhược điểm là chưa tích hợp đầy đủ các tính năng mua sắm như thanh toán, giao hàng…, cũng như không thể đảm bảo về chất lượng sản phẩm, khiến cho trải nghiệm mua hàng của người dùng bị đứt gãy. Thậm chí, ngay cả đối với một số nền tảng đã tích hợp tính năng mua sắm, thì việc bán hàng qua kênh mạng xã hội vẫn gặp một vấn đề nữa, là có rất nhiều tin tức, nội dung, hay thông báo trên mạng xã hội có thể khiến người dùng "xao nhãng" khỏi việc mua sắm, vì bản chất người sử dụng mạng xã hội có nhu cầu giải trí, kết nối trên mạng xã hội cao hơn nhiều so với nhu cầu mua hàng. Cùng với đó, việc thường xuyên thay đổi thuật toán bất ngờ của mạng xã hội cũng có thể khiến kênh bán hàng "chao đảo", làm gián đoạn việc kinh doanh.

Vì sao sàn thương mại điện tử vẫn là thiết yếu trong chiến lược bán hàng trực tuyến? - Ảnh 1.

Vì vậy, kinh doanh trên kênh thương mại điện tử (TMĐT), dù mức độ cạnh tranh ngày một cao, vẫn được các chuyên gia xem như "lối tắt" để người bán hàng có thể khởi sự kinh doanh và có doanh thu sớm nhất, khi nguồn lực tài chính, con người chưa đủ để tự tổ chức các khâu hậu cần.

TMĐT vẫn là "lối tắt" cho kinh doanh trực tuyến

Theo ông Trần Lâm, chuyên gia TMĐT, tác giả cuốn "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử", các sàn có những lợi thế cạnh tranh mà các kênh bán khác khó có thể so sánh. Đơn cử là các chương trình khuyến mãi, giảm giá, miễn phí mua sắm; chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, với hệ thống đánh giá hữu ích và lượng thông tin quy mô siêu rộng vốn có, sàn có thể đưa cho khách hàng những gợi ý sản phẩm phù hợp với mong đợi và nhu cầu của từng người. Nhờ đó, người bán hàng khi tham gia không những có cơ hội khiến doanh số tăng đột biến, người bán còn tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ, tăng độ phủ của thương hiệu.

Mặt khác, ông Trần Lâm cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các sàn TMĐT diễn biến phức tạp trong tương lai, nếu nhà bán hàng nào chỉ phụ thuộc vào một sàn thì sẽ gặp khó. Và đồng quan điểm này, Nhà sáng lập Babyhop Vũ Minh Trà, một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng TMĐT nhận định, hướng đi trong năm 2024 cho các nhà bán hàng TMĐT sẽ là "đa sàn, đa shop, đa sản phẩm" - tức khách hàng ở đâu thì nhà bán hàng ở đó, và khách cần gì thì nhà bán hàng có thứ đó. 

Vì sao sàn thương mại điện tử vẫn là thiết yếu trong chiến lược bán hàng trực tuyến? - Ảnh 2.

Trong bối cảnh đó, nhà bán hàng luôn phải tối ưu hoá về mô hình kinh doanh hợp lý nhất, xác định được tệp khách hàng tiềm năng trên sàn, cách tiếp cận tệp khách hàng và quản lý vận hành tối ưu nhất. 

Ngược lại, về phía sàn TMĐT, để đáp ứng được nhu cầu cả người dùng và người bán, đồng thời bắt kịp xu thế của ngành, các sàn đang nỗ lực từng ngày từng giờ để nâng cấp bản thân với loạt tính năng mới. Đơn cử với Lazada, sàn liên tục có các chính sách ưu đãi miễn phí vận chuyển, hoàn xu, hỗ trợ quảng cáo... vừa giúp thu hút người mua sắm, vừa để hỗ trợ nhà bán hàng.

Mới đây, Lazada cho ra mắt kênh mua sắm mới: Choice với hình thức mua sắm theo combo, với mục đích mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm tốt nhất với mức giá hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội tốt để nhiều chủ shop bán được hàng, tăng tương tác với người dùng. Ngoài ra, từ ngày 06/02/2024, Lazada đã tăng thời gian đổi trả hàng hoá đối với sản phẩm được bán bởi các bán hàng trong nước gắn nhãn LazMall và thuộc kênh Choice từ 15 ngày thành 30 ngày kể từ lúc đơn hàng được cập nhật trạng thái "Đã giao hàng". 

Tóm lại, tâm lý chung là nhà bán hàng nào cũng muốn có mặt trên kênh tốt nhất, lưu lượng cao, bán hàng dễ và chi phí thấp, nhưng thực tế là mỗi kênh bán đều có ưu, nhược điểm riêng, và không có kênh nào là hoàn hảo trên mọi khía cạnh.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Chủ nhiệm Chi hội tiếp thị và công nghệ số (DTM) cho rằng: "Kinh doanh thương mại điện tử khác truyền thống ở chỗ người tiêu dùng quyết định rất nhanh. Vì vậy doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế của công nghệ để xây dựng được nền tảng thương mại điện tử đa kênh".

Ông Hưng đề cập đến khái niệm "ma trận điểm chạm" - cho phép khách hàng tương tác với doanh nghiệp trên nhiều nền tảng khác nhau bao gồm cả sàn thương mại điện tử, kênh sở hữu riêng và mạng xã hội. Điều này giúp tăng tính tiện lợi và tốc độ mua sắm của người tiêu dùng đồng thời tăng khả năng khách hàng trở lại mua hàng với doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến khi thấy mạng xã hội bùng nổ thì bỏ kênh riêng, thấy sàn lên thì bỏ mạng xã hội hay có sàn này bỏ sàn khác thì khó có thể tạo ra "ma trận điểm chạm" này. Vì thế, lời khuyên của chuyên gia là nhà bán hàng không nên bỏ qua cơ hội nào để có được khách hàng, miễn là cần phải biết cách tận dụng lợi thế của từng kênh và tối ưu nhất cho việc bán hàng của mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm