Rất nhiều thần đồng đã gặp bi kịch khi trưởng thành.
Thời gian trước, Trung Quốc có một cậu bé thần đồng với chỉ số IQ cao, tên Fang Zhongyong. Mới 3 tuổi, Fang đã có thể làm thơ. Cứ ngỡ Fang sẽ càng lớn càng xuất sắc, nhưng cuộc đời cậu bé này lại hoàn toàn ngược lại. Vì muốn kiếm tiền nên bố mẹ Fang không tạo cơ hội học tập cho con mà chỉ nghĩ đến những hoạt đồng đem lại lợi ích tiền bạc. Cuối cùng, tài năng của Fang thui chột dần. Và Fang không phải thần đồng duy nhất gặp bi kịch...
Ảnh minh họa.
Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983, sống tại tỉnh Hồ Nam được mẹ dạy dỗ từ nhỏ và nhanh chóng trở thành "thần đồng" với loạt thành tích đáng nể. 2 tuổi đã thành thạo 1.000 ký tự tiếng Trung, 4 tuổi học xong cấp 2, 8 tuổi đỗ vào trường cấp ba danh tiếng của tỉnh.
Năm 13 tuổi, Vĩnh Khang được nhận vào khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với điểm số rất cao. Sau đó, cậu lại thi đậu vào Trung tâm Nghiên cứu Vật lý cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Ở nhà Ngụy Vĩnh Khang, trên các bức tường đều ghi chi chít công thức toán học, tiếng Anh... để cậu có thể dễ dàng ghi nhớ và học hỏi mọi lúc. Chính nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt này mà cậu liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn, trở thành hình mẫu mà hàng triệu phụ huynh muốn noi theo. Tuy nhiên tháng 8/2003, Ngụy Vĩnh Khang khi ấy 20 tuổi bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Nguyên nhân sâu xa hơn là việc cậu đã quen được mẹ chăm bẵm, chăm chút cho tận chân răng từ ngày bé xíu.
Những thần đồng nay khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ sở hữu trí tuệ siêu việt nhưng lớn lên lại thui chột tài năng? Liệu đây có phải một trò lừa đảo? Những đứa trẻ đó có phải thần đồng giả mạo? Đáp án cho những câu hỏi này không hề phức tạp, nhưng rất nhiều cha mẹ lại không nhận ra!
1. IQ cao nhưng EQ thấp, không được chú trọng bồi dưỡng EQ
EQ hay trí tuệ cảm xúc chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phần lớn những người được gọi là thần đồng về sau không tỏa sáng nữa. Điển hình như trường hợp của Ngụy Vĩnh Khang.
Bà Tằng Học Mai - mẹ của Ngụy Vĩnh Khang cho rằng tương lai của con trẻ phụ thuộc vào việc học tập. Chính vì vậy bà Tằng chăm sóc cho con trai từ A- Z để cậu chỉ cần học là được. Mọi sinh hoạt cá nhân của Ngụy đều được mẹ lo tất. Từ những công việc nhà như giặt quần áo, dọn dẹp phòng đến ăn cơm, tắm rửa.
Nghe thì thật khó tin nhưng Ngụy Vĩnh Khang lên trung học vẫn được mẹ đút cơm cho ăn, được mẹ rửa mặt cho. Đến đi đánh răng cũng có mẹ bóp kem ra bàn chải sẵn. "Khi con trai đói, tôi mang cơm vào tận phòng cho con. Khi con khát tôi mang nước dâng tận miệng. Thậm chí có hôm con mắc tiểu, tôi còn mang bô tới tận nơi. Với tôi khi đó, chỉ cần Vĩnh Khang học giỏi là đủ, tất cả việc khác đã có mẹ phục vụ", bà Tằng kể lại cách nuôi dạy con sai lầm của mình với báo chí.
Ngụy Vĩnh Khang - thần đồng một thời.
Ngoài việc nuôi dạy như "em chã", bà Tằng còn không cho con ra ngoài chơi với lý do "ở nhà học tập để có tương lai". Mỗi khi bạn bè của Ngụy Vĩnh Khang đến nhà rủ cậu đi chơi, bà Tằng đều khéo léo đuổi về. Lâu dần Ngụy Vĩnh Khang chẳng còn người bạn nào và chỉ ở nhà cả ngày để đọc sách. Điều này khiến thần đồng thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, không biết cách nói chuyện, hòa nhập với người xung quanh.
Khi Ngụy Vĩnh Khang vào đại học, bà Tằng cũng khăn gói đi theo để chăm sóc con. Nhưng khi Ngụy đi học nghiên cứu sinh thì Viện Khoa học Trung Quốc không đồng ý. Nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình.
Vốn quen có người phục vụ tận chân răng nên Ngụy sau đó hụt hẫng, không thể thích nghi với cuộc sống thiếu vắng mẹ. Anh ta không biết tự xúc cơm ăn, trời nóng cũng không biết cởi áo. Trời lạnh cũng không biết mặc thêm áo ấm. Quần áo mặc xong, Ngụy Vĩnh Khang không mang đi giặt mà vất bừa bãi trong phòng. Căn phòng Ngụy ở như một bãi chiến trường vì chủ nhân không biết dọn dẹp.
Bà Tằng Học Mai
Đến ngày thi tốt nghiệp, Ngụy Vĩnh Khang cũng quên mất thời gian nên nhận điểm 0, làm mất cơ hội học lên tiến sĩ. Tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang khi ấy 20 tuổi bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Sự thực là do cậu không thể thích nghi được với cuộc sống không có mẹ chăm bẵm.
Còn Ngụy Vĩnh Khang cũng không dám về nhà gặp mẹ. Thần đồng ngày nào giờ lang thang, sống bờ bụi khắp các tỉnh thành. Trong túi anh khi đó chỉ có vỏn vẹn 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng). Tuy nhiên chính khoảng thời gian "ăn sương, uống gió" này đã giúp Ngụy biết cách tự chăm sóc bản thân.
Đến khi trong túi không còn đồng bạc nào, Ngụy đành phải nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát để về nhà. Còn bà Tằng cũng đã nguôi giận và nghiêm túc nhìn nhận lại cách dạy con sai lầm của mình. Ở tuổi 20, Ngụy Vĩnh Khang được mẹ dạy dỗ lại từ đầu mọi sinh hoạt cá nhân, bắt đầu từ việc tắm rửa ra sao, giặt giũ như nào.
Dần dần, Ngụy Vĩnh Khang học được cách sống như một người bình thường. Anh ta sau đó còn biết rót trà, lau người cho người bố bị liệt - những việc mà hơn 20 năm trời Ngụy chưa từng động tay.
Có thể thấy, chính sự nuôi dạy sai cách của mẹ đã khiến Ngụy Vĩnh Khang thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, chỉ số EQ kém vô cùng. Những điều đó đã khiến thần đồng một thuở trượt dài, đánh mất tương lai tươi sáng.
2. "Thần đồng" cũng là con người, và danh hiệu thần đồng gây ra quá nhiều áp lực
Những người được gọi là thần đồng đó thực chất chỉ là học hơn người khác hoặc có khả năng lĩnh hội mạnh hơn khi còn nhỏ. Không có thiên tài tuyệt đối trên thế giới.
Ví dụ, Ning Bo, được mệnh danh là "cậu bé thiên tài đầu tiên của Trung Quốc", trở thành trợ giảng trẻ nhất của một trường đại học Trung Quốc ở tuổi 19. Ở tuổi 38, anh đột ngột quyết định đi tu, trở thành một nhà sư.
Dư luận tin rằng, hành động này của Ninh Bo là do anh đã phải gặp quá nhiều áp lực từ gia đình và xã hội, những kỳ vọng muốn anh phải không ngừng xuất sắc hơn nữa, đạt được nhiều thành tích hơn.
Thực chất, sẽ luôn có nhiều áp lực dưới vầng hào quang và những áp lực này thường đòi hỏi trí tuệ cảm xúc tương tự để giải quyết.