Doanh nghiệp

Vì sao nhiều doanh nghiệp đề xuất không chia cổ tức tiền mặt năm 2022?

Theo thống kế của FiinTrade, tính đến ngày 2/4 có 247 doanh nghiệp (DN) phi tài chính công bố kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023.

Số lượng DN dự kiến lỗ hoặc giảm lợi nhuận vẫn chiếm tỷ trọng cao (khoảng 40%), trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Hoà Phát; Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau; Hoá chất Đức Giang; Vinaconex; Viglacera; PV GAS, Biwase, Thuỷ điện Vĩnh Sơn; đường Quảng Ngãi, TTC Sugar,....

Ngoài dự báo tình hình kinh doanh đi xuống so với năm ngoái, nhiều DN dự kiến không chia cổ tức năm 2022 hoặc đổi phương án chia cổ tức bằng tiền sang chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là tình hình kinh doanh không thuận lợi hoặc giữ lại nguồn vốn để đầu tư, tập trung nguồn lực thực hiện những dự án lớn.

Nhiều doanh nghiệp thép nói "không" với cổ tức năm 2022

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cho biết năm 2022, ngành thép Việt Nam và thế giới trải qua khó khăn theo chu kỳ. Mặc dù đã dự báo ngành thép sẽ “thê thảm” nửa sau của năm nhưng mọi thứ lại diễn ra tệ hơn ông nghĩ. 

Khó khăn ở nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp ngành thép lớn như Hoà Phát, Hoa Sen, Nam Kim, Thép SMC, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã ghi nhận thua lỗ.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành và dự báo vẫn còn nhiều thách thức, một số doanh nghiệp dự kiến không trả cổ tức tiền mặt năm 2022 như Hoà Phát, Thép Tiến Lên (Mã: TLH), Thép SMC (Mã: SMC), Thép Nam Kim (Mã: NKG).

2022 là một năm khó khăn với doanh nghiệp ngành thép. (Ảnh minh hoạ: TTXVN).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Hoà Phát đã chốt phương án không chia cổ tức tiền mặt năm 2022. Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch Hoà Phát - Trần Đình Long cho rằng, với kết quả kinh doanh như năm 2022, sau khi cân nhắc rất kỹ, HĐQT đề xuất không chia cổ tức 2022.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn năm 2023 và các năm sau của tập đoàn rất là lớn. Cụ thể, tổng đầu tư tài sản cố định của dự án Dung Quất giai đoạn 2 tính đến nay khoảng 75.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD. Theo Chủ tịch Hoà Phát, đây là dự án rất lớn, bằng hàng trăm dự án của các doanh nghiệp khác nên tập đoàn đang phải tập trung toàn lực để hoàn thành Dung Quất giai đoạn 2.

Đây là lần đầu tiên Hòa Phát không trả cổ tức tiền mặt sau ba năm 2019 - 2021.

 

Bất động sản gặp khó, doanh nghiệp không muốn chia cổ tức tiền mặt 

Năm 2022 có lẽ là một năm thị trường bất động sản chứng kiến nhiều sự kiện và biến động mạnh sau hơn một thập kỷ. Loạt "cơn gió ngược" thổi vào thị trường này khiến các chủ đầu tư lao đao khi phải đối mặt với loạt áp lực về thiếu vốn, lãi suất cao. Trong khi nhiều dự án vướng mắc pháp lý vẫn chưa thể giải quyết càng đẩy các nhà phát triển bất động sản vào đường cụt.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Khải Hoàn Land (Mã: KHG) thừa nhận, 2022 là một năm khó khăn, thử thách của kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Trước tình hình trên, công ty quyết định không trả cổ tức năm 2022 mà giữ lợi nhuận lại nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được thông suốt. Trong trường hợp, thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực, HĐQT sẽ có phương án và trình cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức.

Tương tự, Becamex TDC (Mã: TDC) đề xuất không chi trả cổ tức năm 2022. Đây là năm đầu tiên công ty không trả cổ tức từ khi niêm yết (2010). Thậm chí, hồi tháng 2, công ty còn xin khất nợ 17 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu với lý do tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm, gây ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh.

Một đơn vị khác trong lĩnh vực bất động sản là Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) cũng dự kiến không trả cổ tức năm 2022. Công ty cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các ngân hàng siết chặt tín dụng dẫn đến hoạt động kinh doanh bất động sản của Năm Bảy Bảy gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng và huy động vốn.

Ảnh minh hoạ: Báo Chính Phủ.

Hay mới đây, Hải Phát Invest (Mã: HPX) đã có văn bản giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) về việc chưa thực hiện chi trả cổ tức năm 2021. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, công ty đã ban hành nghị quyết thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 5%. Thời hạn cuối cùng doanh nghiệp phải thực hiện chi trả là tháng 10/2022. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp chưa thực hiện chi trả khoản cổ tức nói trên.

Giải trình về lý do chưa thực hiện thanh toán, Hải Phát Invest cho biết, nửa cuối năm 2022 là thời điểm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản nói chung và Hải Phát nói riêng do thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản, việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được.

Bên cạnh đó là làn sóng bán giải chấp cổ phiếu bất động sản cầm cố cho các khoản vay margin của các công ty chứng khoán liên tục diễn ra để thu hồi nợ trước hạn. Từ tháng 10/2022 cho đến nay, công ty chịu áp lực lớn về việc trả nợ các khoản vay, trái phiếu đến hạn và dòng tiền đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của công ty âm.

Hải Phát Invest cho biết hiện chưa cân đối, bố trí được dòng tiền để thực hiện chi trả cổ tức, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông. Vì vậy, công ty không thể thực hiện việc trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông theo quy định của pháp luật.  

Bất động sản gặp khó, doanh nghiệp không muốn chia cổ tức tiền mặt. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ).

Sóng gió không chỉ đến với doanh nghiệp bất động sản, mới đây, một số đơn vị xây dựng cũng dự kiến không trả cổ tức năm 2022 khi thị trường bất động sản chưa "ấm" lên. Cụ thể, HĐQT Tập đoàn Xây dựng SCG (Mã: SCG) muốn hủy phương án phát hành trả cổ tức năm 2021 để cải thiện tình hình tài chính. Hay Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) lên kế hoạch không trích lập các quỹ và không chia cổ tức năm 2022.

SAM Holdings (Mã: SAM) đề xuất không trả cổ tức năm 2022 do lợi nhuận năm 2022 giảm mạnh. Như vậy, kể từ năm 2015 tới nay, công ty đã không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Doanh nghiệp muốn giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư

Vào những tháng cuối năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản liên tục sụt giảm trong bối cảnh hàng tồn kho từ các thị trường tiêu thụ lớn còn nhiều sau giai đoạn bùng nổ hậu COVID-19. Điều này được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý IV/2022 của doanh nghiệp.

Sang năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản được dự báo sẽ phục hồi từ quý II nhưng với tốc độ chậm chi cho đầu vào tăng cao trong khi các nước giảm nhập khẩu vì lạm phát.

Để đảm bảo an ninh tài chính trong công cuộc phòng chống suy thoái kinh tế, Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) và công ty con - CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) dự kiến không trả cổ tức năm 2022 mà dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai công ty cho biết, sau khi kinh tế ổn định và tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi, HĐQT sẽ xem xét trình ĐHĐCĐ về phương án chi trả cổ tức trong kỳ đại hội gần nhất.  

Một đơn vị trong ngành chăn nuôi là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco - Mã: DBC) cũng đau đầu khi lợi nhuận năm 2022 "bốc hơi" 97%. Việc giá nguyên liệu tăng mạnh trong khi tiêu thụ các sản phẩm chậm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất khiến công ty lâm vào cảnh khó khăn. Do đó, công ty dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 để bổ sung vào quỹ phát triển của công ty và không chia cổ tức năm 2022.

Còn trong lĩnh vực cảng biển, Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đề xuất trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu. Như vậy, công ty sẽ không trả cổ tức năm 2022 theo kế hoạch là 10% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm