Doanh nghiệp

“Ông lớn” chuyên đầu tư nhà ở xã hội đặt mục tiêu lợi nhuận “khủng” thế nào?

HQC vừa mới công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2023, doanh nghiệp này vẫn hoạt động chủ yếu quanh mảng sở trường là làm dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, trong 1.700 tỷ đồng doanh thu dự kiến năm nay, với 650 tỷ đồng đến từ các dự án khu đô thị mới Trà Vinh, HQC Tân Hương, HOF - HQC Hồ Học Lãm, chủ yếu các dự án là nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, 1.050 tỷ đồng dự thu còn lại đều đến từ hợp tác đầu tư các dự án khu dân cư Bình Minh, khu công nghiệp Hàm Kiệm, khu đô thị mới Nam Phan Thiết, dự án Golden City (Tây Ninh), trong danh sách này dự án nhà ở xã hội tại Tây Ninh dự kiến góp nguồn thu rất đáng kể.

Theo đó, Doanh nghiệp cũng công bố sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thêm dự án, phát triển đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp và khai thác các khu công nghiệp trong năm 2023.

“Ông lớn” chuyên đầu tư nhà ở xã hội đặt mục tiêu lợi nhuận “khủng” thế nào? - 1

Một dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân 

HQC Là một doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển nhà xã hội tại các tỉnh miền Nam, thậm chí khu vực miền Trung trong thời gian qua, HQC được mệnh danh là "ông lớn" trong việc phát triển phân khúc khó nhằn này với rổ hàng chục nghìn căn hộ, có quy mô lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, khi thị trường bất động sản khủng hoảng năm 2013, doanh nghiệp vượt khó thành công cũng nhờ phát triển và bán nhà ở xã hội, dễ tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp.

Tuy nhiên trong 7 năm gần đây, doanh nghiệp lao đao khi gói vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ kết thúc, thiếu chính sách tài khóa hỗ trợ cho cả người mua lẫn chủ đầu tư. Khi tình hình kinh doanh bết bát, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HQC nhiều lần chia sẻ với cổ đông việc phải gồng gánh và chịu lỗ để thúc tiến độ dự án nhà xã hội về đích (bàn giao căn hộ). Tỷ lệ lợi nhuận phân khúc này bị khống chế không quá 10%, biên lợi nhuận ngành thấp khiến doanh nghiệp hụt hơi, muốn rẽ sang phát triển bất động sản thương mại để cải thiện tình hình.

Trước đó, năm 2022, HQC cho biết, sẽ triển khai các sản phẩm nhà ở xã hội tại TP HCM và Tây Ninh, từng bước thực hiện kế hoạch xây 50.000 căn nhà giá rẻ đến năm 2027.

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022, HQC ghi nhận doanh thu hơn 333 tỷ đồng, giảm 4%. Tuy nhiên, lãi sau thuế đạt 19 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2021 do doanh nghiệp này tăng thu giảm chi trong hoạt động tài chính.

Việc Hoàng Quân công bố kế hoạch kinh doanh đặt nhiều kỳ vọng vào phân khúc nhà ở xã hội năm nay, cộng thêm động thái công bố tờ trình phát hành 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư để tăng vốn đã giúp thị giá cổ phiếu HQC có chuỗi tăng mạnh kéo dài trên sàn chứng khoán. Diễn biến này được giới đầu tư cho là doanh nghiệp đang bắt đúng mạch đập chính sách tín dụng hướng đến nhà giá rẻ.

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030 (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Dù bức tranh nhà ở xã hội được dự báo tích cực hơn so với phần còn lại của thị trường bất động sản đang trầm lắng, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HQC nhấn mạnh không quên đã vấp ngã thương đau ở phân khúc này 7 năm qua, khi gói 30.000 tỷ đồng cho vay nhà giá rẻ kết thúc. Lãnh đạo HQC nhận định năm 2023 sẽ hạn chế rất nhiều cá nhân lẫn doanh nghiệp đầu cơ bất động sản, cơ hội chỉ đến với những đơn vị biết cách khai thác và vượt khó.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm