Các chuyên gia tâm lý phân tích, con người có xu hướng thông qua dáng vẻ bề ngoài của đối phương như 'mặc quần áo của thương hiệu gì', 'đồng hồ đeo tay có đắt tiền không' để đưa ra cách ứng xử phù hợp. Điều này khiến nhiều người nghèo không chỉ thích mặc đẹp, mà còn đi khắp nơi mua đồ đắt tiền bởi không muốn thấy bản thân thấp kém.
Còn sâu xa hơn, việc xây dựng vẻ ngoài hào nhoáng có thể đem lại cho người thu nhập thấp những cơ hội phát triển bản thân.
Tăng sự tự tin
Lựa chọn trang phục gọn gàng, phù hợp và đến từ các thương hiệu cao cấp có thể khiến người mặc thấy tự tin hơn khi đứng trước những người xung quanh, thay vì cảm giác bị cô lập, xa lánh.
Đặc biệt, tự tin trong việc ăn mặc sẽ ảnh hưởng đến thái độ cư xử của mỗi cá nhân. Bởi khi ngoại hình và vẻ bề ngoài được cải thiện, con người tạo được tự tin trong giao tiếp, sẵn sàng đối mặt với nhiều người khác nhau và biết chớp lấy thời cơ để thăng tiến.
Giúp định hình phong cách cá nhân
Người giàu rất ít khi ăn diện vì cho rằng mặc bộ đồ luộm thuộm không làm hạ thấp giá trị của bản thân. Còn đối với người nghèo, ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền, vẻ bề ngoài là mối quan tâm lớn nhất. Điều này khiến một số người có thu nhập thấp sẵn sàng sử dụng toàn bộ thu nhập để đầu tư cho ngoại hình.
Họ cho rằng mặc quần áo đẹp, hợp dáng người giúp bản thân tăng cơ hội trúng tuyển, thăng tiến trong công việc hoặc xây dựng các mối quan hệ với người giàu có.
Dễ hòa nhập, nhận được sự tôn trọng
Trong hầu hết các mối quan hệ, mọi người thường có ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài. Bằng cách chú ý đến ngoại hình và trau dồi kỹ năng cho bản thân, người có thu nhập thấp dần thích nghi với các tình huống xã hội và biết phát triển các mối quan hệ cá nhân. Về lâu dài, điều này giúp họ mở rộng vòng kết nối, có được nhiều cơ hội phát triển bản thân, cải thiện cuộc sống.
Đơn cử như nhân viên kinh doanh hay chủ dự án trong quá trình giới thiệu dự án với khách hàng, ngoài tài ăn nói lưu loát, việc mặc đồ sang trọng cũng tạo được vị thế của bản thân, nhằm tăng khả năng đàm phán.
(Theo Toutiao, Sohu)