Vì sao cần ký cam kết?
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh và một số địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Chiều ngày 27/6, trước câu hỏi vì sao người dân không tiêm phòng vắc xin Covid-19 phải ký cam kết, GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết việc tiêm vắc xin Covid-19 là yêu cầu của phòng, chống dịch nên người dân cần đi tiêm đúng lịch, đúng liều.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phân tích việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết, đặc biệt là giữa chính quyền và người dân để nâng cao trách nhiệm của hai bên trong thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch.
GS Lân chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, ảnh Ngọc Minh.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định vắc xin là chiến lược trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi xuất hiện biến thể mới.
"Việc ký cam kết này để chính quyền, người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả vắc xin cũng như ứng phó biến thể mới", ông Lân nói.
Trước đó, Bộ Y tế có văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Văn bản có nội dung thống nhất quan điểm truyền thông tiêm vắc xin là phòng chống dịch; địa phương nào không tiêm, người dân nào không tiêm để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm. Người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết.
Đồng quan điểm với GS Lân, PGS. TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay quan trọng nhất giai đoạn này là truyền thông cho người dân tiêm nhắc mũi 3, 4.
Trong thời gian qua, có hơn 40 triệu liều vắc xin tiêm mũi thứ 3 và hơn 3,4 triệu liều tiêm mũi thứ 4. Phản ứng cơ bản sau tiêm tương tự như mũi 1, 2, thậm chí thấp hơn và chúng ta phải truyền tải thông điệp để người dân tiêm chủng.
"Người dân nên tiêm mũi nhắc lại để có miễn dịch bền vững. Chính quyền địa phương giúp cho ngành y tế rà soát đối tượng nào chưa tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm nhắc lại thì nhắc người dân đến điểm tiêm chủng", PGS Hồng nói.
Bà Hồng cho biết thêm trong 3 tháng tới, chương trình tiêm chủng sẽ tập trung vào đối tượng đủ điều kiện tiêm mũi 3, 4.
Với Covid-19, mũi tiêm cơ bản tạo ra miễn dịch không bền vững như các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, rubella... Vì thế, tiêm nhắc lại bảo đảm tăng cường nồng độ kháng thể chống lại Covid-19 rất quan trọng. Những người đã mắc Covid-19 sau 3-4 tháng cần tiêm nhắc lại để tăng miễn dịch.
Virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến hóa khôn lường
Theo GS Lân, diễn biến dịch vẫn đang rất phức tạp do virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường. Sự biến hóa của virus được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tốc độ lây lan; khả năng chuyển nặng; tăng sức chịu đựng với vắc xin; giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán.
"Trong 2 năm qua, trong quá trình theo dõi, chúng ta thấy nhiều lúc virus SARS-CoV-2 tiến hóa khôn lường. Việt Nam đã trải qua các đợt dịch với các biến thể khác nhau, từ chủng ban đầu tới Delta và Omicron.
Thậm chí biến thể Omicron có đến 5 biến thể phụ (trong đó biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2) và đã ghi nhận biến thể phụ BA.5 lưu hành tại Việt Nam, có tốc độ lây lan cao", GS Lân phân tích.
Thông điệp Tổ chức Y tế thế giới rất rõ, nơi chưa an toàn là nơi chưa tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và có nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Vắc xin vẫn là vũ khí hữu hiệu nhất làm giảm ca mắc Covid-19 nặng, tử vong.