Đôi nét về Cherry Vũ:
- CEO của công ty tư vấn toàn cầu Teal Unicorn, Two Hills có trụ sở chính tại New Zealand. Tiến sĩ về Chính sách Công, Đại học Victoria Wellington, Thạc sĩ Quản lý Công ĐH Potsdam, CHLB Đức và 3 bằng cử nhân Việt Nam.
- Là một trong 100 người phụ nữ trên thế giới có đóng góp lớn trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp linh hoạt (Lean and Agile) toàn cầu. Là diễn giả quen thuộc trong các hội nghị quốc tế lớn về cách làm việc và quản lý mới.
- Là tác giả cuốn "Con mình chẳng lẽ lại vứt" và cuốn sách sắp xuất bản "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?" và những cuốn sách về quản lý cấp tiến được đánh giá cao.
Đây không phải là lần đầu tiên vợ chồng TS Cherry Vũ và Rob England có những chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con, nhưng có thể bạn sẽ tìm thấy điều gì đó cho bản thân mình...
Khi con biết rằng mình yêu con nhường nào thì hầu hết chúng sẽ không làm cha mẹ thất vọng đâu
- Chúng ta đang phải sống trong một thế giới nhiều biến động và phức tạp, thế giới của internet và mạng xã hội. Cùng với đó cha mẹ phải đối mặt với những đứa trẻ không giống mong muốn của người lớn. Chị nghĩ thế nào về điều này, chúng ta cần trang bị cho con mình kỹ năng gì đặc biệt ở thời kỳ này để chúng không… đi lạc?
Trên toàn thế giới, cha mẹ từ lâu đã phải đối mặt với hiện thực về một thế giới có internet, ở đó con sẽ biết rất nhiều thứ. Ở Việt Nam chúng ta gần đây mới phải đối mặt với chuyện những đứa trẻ không trở thành người mà cha mẹ chúng mong muốn nữa. Sẽ chẳng ai biết đích xác bố mẹ phải làm gì ngoài cách chấp nhận và học cách sống cùng những đứa con có mạng internet. Đến giờ, chính các chuyên gia còn cãi nhau phải làm thế nào với “những đứa trẻ internet”, vì vậy để nói chính xác về nó rất khó.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là cần giúp con có tư duy phản biện, phân tích tình huống, sự vật, sự việc đang xảy ra; khả năng đào sâu suy nghĩ chứ không nhìn mọi thứ ở bề mặt. Bố mẹ cần dạy con nhận ra điểm yếu đuối của mình, từ điểm yếu đuối đó chúng mới có thể biết được cách bảo vệ bản thân.
Chúng ta không thể “đóng cửa” việc con tiếp xúc với internet, hay đặt con trong “lồng kính vô trùng” được, vì trẻ con vốn dĩ tò mò, nếu được bảo đừng làm cái này thì chúng sẽ thường cố để đi ngược lại. Nên chăng chỉ là phụ huynh ngừng cấm đoán mà dạy con biết đi tìm sự giúp đỡ khi gặp điều chưa hiểu, dạy con những điều chưa phù hợp với con trong thời điểm này.
Tuy nhiên, sự biến động của thế giới vẫn không ngừng diễn ra và chúng ta sẽ không dạy được con trẻ tất cả, thậm chí phải thừa nhận có nhiều điều chúng còn giỏi hơn cha mẹ. Nhưng ít nhất chúng ta có thể nói với con thế nào là người tốt và sự tử tế “trông” như thế nào. Chúng ta có thể nói với con về sự quan tâm, tình yêu và sự biết ơn, về việc để ý đến cảm xúc của người xung quanh thay vì chỉ biết đến bản thân.
Ngoài ra, những kỹ năng sống cơ bản như biết nấu cơm, giặt giũ quần áo, tự chăm sóc bản thân… cũng rất quan trọng. Đơn giản như việc tự nấu cho mình được bữa ăn tử tế, sống hòa hợp với người xung quanh cũng là cần thiết.
Con cần phải biết lựa chọn giá trị, cần có giá trị sống của mình để không ngả nghiêng theo điều xấu, biết điểm dừng ở đâu… Và như thế chính bố mẹ cũng phải luôn sống tích cực, bởi vì con bạn luôn là người quan sát bạn rõ nhất.
- Dạy con tự lập đúng là việc cần thiết, nhưng có phụ huynh đã chia sẻ với tôi rằng “con tôi 20 tuổi, mặc dù tôi đã muốn con mình sống tự lập, nhưng cháu lại chỉ muốn làm 1 đứa trẻ được cha mẹ chỉ dẫn. Tôi phải làm thế nào để con có thể chủ động dẫn dắt cuộc đời mình”, trả lời thắc mắc cho vị phụ huynh này chị sẽ nói gì?
Chị đã nghe câu uốn cây phải uốn từ khi còn non chưa? Phải nói là cái cây hoặc con người khi “đã cứng” thì việc uốn nắn là vô cùng khó.
Trong gia đình tôi, các con được học sự tự lập từ khi còn nhỏ, tuổi nào việc nấy. Các cháu biết dọn đồ chơi, mặc quần áo, tự ăn sáng. 4 tuổi con biết tự chăm sóc bản thân, thậm chí còn chăm sóc được mẹ nó. Con lớp 1 đã biết dùng dao để nấu ăn, tiếp xúc với đồ nóng như thế nào cho an toàn. Chứ nếu cha mẹ cứ sợ con mình đứt tay, sợ bỏng thì mãi mãi chúng sẽ không bao giờ biết làm. Hãy để con thấy hình ảnh một bà mẹ yếu đuối và chúng sẽ chăm sóc mình chứ không phải cả đời mình phải chạy theo con cái.
Vì thế, người ta mới nói rằng “Hãy cho tôi 1 đứa trẻ, đến năm 7 tuổi sẽ cho bạn 1 người trưởng thành”. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ năm 7 tuổi thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, muộn còn hơn không.
Còn với một cậu bé 20 tuổi sợ hãi thế giới ngoài kia mà chui vào chiếc vỏ ốc là vòng tay của cha mẹ mình thì chẳng có cách nào khác ngoài việc chị phải gây dựng lòng tự tin cho con mình. Hãy động viên và tin tưởng ở con. Thật ra, con cái luôn muốn hồi đáp kỳ vọng và mong mỏi của cha mẹ. Chị cần gửi đi tín hiệu mạnh mẽ mẹ về tình yêu của mình, về việc mình muốn con thực sự thay đổi. Nếu yêu thương và gửi đúng thông điệp để con biết rằng mình yêu nó và muốn tốt cho nó như thế nào thì hầu hết các con sẽ không làm cho chúng ta thất vọng đâu.
Cha mẹ đừng sợ con cãi!
- Tình yêu trong những ông bố bà mẹ chẳng bao giờ mất đi, nhưng trong những hoàn cảnh thực tế khi “đối diện” với những đứa trẻ không như mình mong muốn, cha mẹ thường có phần thất vọng hoặc bất lực. Chúng ta phàn nàn rằng con mình hay cãi, không ngoan như thời cha mẹ đã từng là con. Theo chị, thực tế cha mẹ hay lũ trẻ mới là người cần phải thay đổi?
Tôi sợ nhất con tôi ngoan, bảo gì chúng cũng nghe. Bởi cái sự “ngoan” ấy là đi kèm với việc không có chính kiến, không có tư duy.
Cha mẹ đừng sợ con cãi!
Tôi từ nhỏ đã cãi nhem nhẻm. Ở quê tôi, con gái không được coi trọng như con trai, tôi cảm thấy không thể chấp nhận được chuyện đó và tôi cãi. Vì sao các anh em họ, anh trai mình được đối xử như thế, còn mình thì không, tôi luôn đặt câu hỏi cho mình và cho người lớn như thế.
Khi trẻ tò mò, người lớn thường nói “hỏi gì hỏi lắm thế” và làm chúng ngừng tò mò, ngừng suy nghĩ. Hãy kiên nhẫn lắng nghe những câu hỏi của con và trả lời chúng, nếu bạn không biết hãy nói “mẹ không biết, con thử tìm hiểu và dạy mẹ nhé”.
Ở phương Tây, người ta thường khuyến khích con bằng cách hỏi “con còn câu hỏi gì nữa không?” thay vì “con có thể ngừng hỏi được không?”. Khi chúng ta dập đi sự tò mò của trẻ cũng là dập đi tính sáng tạo ở chúng. Nếu chúng ta quy kết cho những đứa trẻ hay cãi chỉ là thiếu lễ độ, tức là chúng ta cũng dập đi cả tính phản biện của trẻ. Chúng ta cần cho con sự tôn trọng trong khi vẫn phải giữ tôn ti trật tự trong gia đình, không phải "cá mè một lứa".
Làm cha mẹ là giống như người làm vườn chứ không phải thợ mộc. Con chúng ta giống như cây. Cái cây phát triển và lớn lên theo cách của nó, chúng ta phải thay đổi môi trường nước, dinh dưỡng, cắt tỉa... để ra 1 cây tốt nhất theo bản chất, tính chất của nó.
Làm vườn khó hơn làm thợ mộc nhiều vì chúng ta phải nương theo cái cây. Nếu gò ép con cái theo ý mình thì cả cha mẹ và con cái đều không hạnh phúc. Cha mẹ bình tâm thì mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đấy.
Thế giới không ngừng biến động và chúng ta không thể đoán định được tương lai, cũng không thể trải thảm cho con mình. Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng con cái ổn hay không phần lớn do cách cha mẹ ứng xử như thế nào.
Như trong cuốn “Con mình chẳng lẽ lại vứt?”, tôi đã nói rằng chúng tôi cũng như các ông bố bà mẹ khác, cũng gặp những vấn đề giống họ, nhưng cách chúng tôi phản ứng với những việc xảy ra có thể khác với nhiều người. Con chúng ta sẽ ổn thôi nếu chúng ta biết ứng phó hợp lý.
Chúng ta làm mẹ như thế nào sẽ thấy hình ảnh của con của mình trong đó. Và trong hành trình làm mẹ, chúng ta sẽ liên tục vấp ngã, nhưng chúng ta phải tiến bộ lên và hãy tin rằng các con của mình rồi sẽ ổn thôi.
- Nhiều mẹ Việt có thói quen chê trách hay chỉ trích con trẻ, khiến chúng tổn thương và mất đi sự tự tin. Theo chị, lời khen, sự khích lệ có giá trị với con như thế nào?
Người Việt có câu "yêu cho roi cho vọt", roi ở đây có khi không phải là roi thật đâu mà là lời nói phê phán, nhiếc mắng, đó là một thói quen cần thay đổi. Thay vì làm cho trẻ cảm thấy nhục, thấy tệ, chúng ta hãy làm cho chúng thấy tự tin vào bản thân.
Muốn ai thay đổi, chúng ta cần làm cho người đó cảm thấy tốt về bản thân, như thế họ mới có động lực để thay đổi. Còn cách làm cho người ta thấy xấu hổ hay nhục nhã sẽ không bao giờ giúp cho ai đó tốt lên. Khi cha mẹ nói “con hư lắm, con hỗn láo…”, con cái sẽ nghĩ "đằng nào bố mẹ cũng nghĩ mình hư, vậy sao mình phải ngoan?"
Trẻ con tuổi nào cũng biết hành vi nào là đúng, chỉ có điều chúng có lựa chọn hành vi đúng đắn hay không. Điều này lại phụ thuộc vào thái độ của người lớn như thế nào. Vì vậy, cha mẹ hãy thay đổi ngôn ngữ, khích lệ điểm tốt ở con mình, rồi bạn sẽ thấy hiệu quả khác đi.
Về tới nhà, vừa bước chân vào cửa là bố mẹ đã quan sát và chất vấn “Sao giờ này con còn chưa đi tắm, việc đó cũng phải để mẹ nhắc ư?”, “Sao nhà cửa bề bộn thế? Chúng mày ở nhà cả ngày làm cái gì trong khi bố mẹ đi làm mệt mỏi"... Bố mẹ cứ dội vào đầu trẻ những lời lẽ không tích cực như thế mà không biết rằng đó là lý do vì sao họ không thể kết nối được với con mình.
Kiểm soát cảm xúc luôn là việc khó. Trước đây tôi vốn cũng là một bà mẹ tính nóng như lửa, hay cáu giận với con mình. Và rồi một ngày tôi nhận ra mình cần thay đổi, nếu không mình sẽ giết con mình mất. Tuy nhiên, học cách kiểm soát cảm xúc là cả một quá trình dài để mình rèn luyện. Khi làm chuyện gì sai, tôi sẽ ôm con vào lòng và xin lỗi con vì mẹ làm sai rồi.
- Cuối cùng, nếu có một điều muốn nói nhất với các bậc phụ huynh đang hoang mang ngoài kia khi có con tuổi dậy thì chị muốn nói gì?
Khi chúng tôi tổ chức tọa đàm “Hiểu về thế giới mà con phải đối mặt” với các bậc phụ huynh, đa số các câu hỏi mà chúng tôi nhận được là “tôi phải làm gì để con không…”, sau dấu ba chấm kia là đủ mọi vấn đề như: lười học, chơi game, luộm thuộm, không chịu làm việc nhà… Chỉ có duy nhất một phụ huynh hỏi rằng “tôi phải thay đổi như thế nào để con tôi tốt hơn?”. Tôi cho rằng đó mới là cách đặt vấn đề đúng. Như tôi đã nói ở trên, khi chúng ta thay đổi góc nhìn và cách ứng xử với con cái, thì kết quả chúng ta thu về cũng sẽ thay đổi.
Ngoài ra, chúng ta đang sống trong một thế giới biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ, những điều từng giúp chúng ta được như bây giờ sẽ không còn hiệu quả với thế hệ trẻ ngày nay nữa. Chúng ta cần từ bỏ những cách làm cha mẹ đã lỗi thời, bắt đầu bằng việc thay đổi bản thân, từ đó con cái chúng ta cũng sẽ thay đổi để ngày một tốt hơn.