Theo CNBC, quỹ phòng hộ tiền mã hoá nổi tiếng Three Arrows Capital (3AC) đã mất khả năng thanh toán một khoản nợ trị giá hơn 670 triệu USD. Công ty môi giới tiền mã hoá Voyager Digital phát đi thông báo vào sáng hôm 27/6 rằng 3AC đã không thể trả khoản vay trị giá 350 triệu USD giá trị đồng USDC và 15.250 bitcoin (giá trị khoảng 323 triệu USD).
Việc 3AC mất thanh khoản đến trong bối cảnh thị trường tiền mã hoá trải qua nhiều tuần lao đao, xoá sạch hàng trăm tỷ USD giá trị vốn hoá. Giá trị thị trường tiền mã hoá lúc này đang ở mốc khoảng 950 tỷ USD, giảm xuống từ đỉnh cao 3 nghìn tỷ USD ghi nhận vào tháng 11 năm ngoái.
Voyager cho biết nó kỳ vọng vào sự phục hồi của 3AC. Trong thời gian này, công ty môi giới nhấn mạnh 3AC vẫn sẽ hoạt động và thực hiện các đề nghị cũng như lệnh rút tiền của khách hàng. Động thái nói trên của Voyager dường như là một cách để tránh các hiệu ứng tiêu cực lan truyền trong hệ sinh thái tiền mã hoá rộng hơn.
“Chúng tôi đang nỗ lực để cải thiện sức mạnh của bảng cân đối kế toán và theo đuổi các lựa chọn khác nhau để có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu thanh khoản của khách hàng”, Stephen Ehrlich, CEO Voyager, cho biết.
Tính đến thời điểm thứ 6 tuần trước, Voyager cho biết đang có khối lượng USD và tiền mã hoá trị giá 137 triệu USD. Công ty đồng thời nhấn mạnh đã được cấp hạn mức xoay vòng 200 triệu USD tiền mặt và USDC cùng với đó là một hạn mức xoay vòng trị giá 15.000 bitcoin (318 triệu USD).
Tuần trước, Alameda xác nhận tài trợ 500 triệu USD cho Voyager Digital. Voyager Digital lúc này đã sử dụng 75 triệu USD từ hạn mức tín dụng này.
3AC đã rơi vào tình thế này như thế nào?
3AC được Zhu Su và Kyle Davies thành lập vào năm 2012.
Zhu nổi tiếng vì quan điểm ủng hộ bitcoin. Năm ngoái, ông nói rằng đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới này có thể trị giá tới 2,5 triệu USD/đồng. Dù vậy, vào tháng 5 năm nay, khi thị trường tiền mã hoá đi xuống, Zhu chia sẻ trên Twitter rằng “lý thuyết về siêu chu kỳ giá của ông bị sai”.
Các vấn đề của 3AC dường như bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng này sau khi Zhu chia sẻ một dòng tweet mơ hồ rằng công ty của ông “đang trong quá trình giao tiếp với nhiều bên liên quan” và “cam kết hoàn toàn giải quyết các vấn đề”. Ông không chia sẻ chi tiết về đề cụ thể là 3AC gặp phải là gì.
Cùng thời điểm, Financial Times đưa tin rằng các công ty cho vay tiền mã hoá như BlockFi và Genesis đã bán một số vị thế của 3AC. 3AC đã vay tiền từ BlockFi song không thể đáp ứng việc yêu cầu bổ sung ký quỹ (margin call). Đây cũng là thời điểm đồng stablecoin thuật toán terraUSD và Luna sụp đổ. 3AC có liên quan đến Luna và cũng chịu lỗ.
“Tình thế của Terra – Luna khiến chúng tôi mất cảnh giác”, Davies, người đồng sáng lập 3AC, nói với WSJ hồi đầu tháng này.
Rủi ro lan rộng?
3AC đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tín dụng ngày càng trầm trọng hơn do áp lực đến từ giá trị tiền mã hoá. Hôm thứ 2, bitcoin giao dịch với mức giá khoảng 21.000 USD, đồng nghĩa với việc giá trị của nó đã giảm khoảng 53% trong năm nay.
Cùng thời điểm, Fed đang phát đi tín hiệu về việc có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các tài sản có mức độ rủi ro cao.
3AC, một trong những quỹ phòng hộ tập trung vào tài sản mã hoá lớn nhất thế giới, đã vay một số tiền lớn từ nhiều công ty để đầu tư vào nhiều dự án tài sản mã hoá khác nhau. Những gì xảy ra với 3AC lúc này làm dấy lên lo ngại về mức độ rủi ro có thể lan rộng ra cả ngành công nghiệp tiền mã hoá.
“Vấn đề các tài sản của 3AC đang giảm mạnh song song với thị trường đi xuống không phải một dấu hiệu tích cực”, Vijay Ayyar, phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp và kinh doanh quốc tế của sàn giao dịch Luno, nói với CNBC.
“Điều cần quan sát lúc này là để xem có các công ty lớn nào có liên quan đến nó hay không và có thể kích hoạt động đợt rủi ro lan truyền rộng hơn”, ông nói thêm.
Lúc này, thực tế, nhiều công ty tiền mã hoá cũng đã bắt đầu đối diện với cuộc khủng hoảng than khoản vì thị trường đi xuống. Tháng này, công ty cho vay Celsius, một công ty hứa hẹn lợi suất cao dựa trên các khoản tiền gửi bằng tiền kỹ thuật số, tạm dừng việc cho khách hàng rút tiền với lý do “điều kiện thị trường khắc nghiệt”.
Một công ty cho vay mã hoá khác là Babel Finance thì cho biết cũng đang “đối mặt với áp lực thanh khoản không thường gặp” và tạm dừng rúi tiền.