Kỹ năng sống

Vì sao "Hãy xem công ty như một gia đình" là lời khuyên sai lầm?

Nhiều người thường nghĩ những phát ngôn “công ty là nhà", “đồng nghiệp là gia đình" là một slogan hướng tới một môi trường làm việc trong mơ. Có lẽ đúng là thế, một công ty "trong mơ" như thế là không có và bạn cũng không thể đòi hỏi một doanh nghiệp xem bạn như người thân.

Việc xem công ty như gia đình có thể làm bạn cảm thấy thoải mái hơn với những áp lực của mình, nhưng xem ra thì hại nhiều hơn lợi. Cùng xem lý do vì sao nhé!

Không thể trông chờ công ty sẽ yêu thương bạn chỉ vì bạn là một “đứa trẻ ngoan"

Có thể bạn nghĩ lòng trung thành của mình đối với công ty sẽ được nhìn thấy qua sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau - như những người nhà. Thế nhưng hãy nhớ rằng công ty không phải một con người, công ty không thể yêu, ghét, hay thờ ơ với bạn. Vì thế, bạn không thể trông chờ công ty sẽ yêu thương bạn chỉ vì bạn là một “đứa trẻ ngoan".

Bạn cũng có thể thân thiết, hoặc thậm chí là “say nắng" ai đó trong công ty, nhưng điều này chẳng thay đổi được việc các bạn chỉ là một tập thể đang hợp tác để hướng tới mục đích của doanh nghiệp.

 Vì sao Hãy xem công ty như một gia đình là lời khuyên sai lầm? - Ảnh 1.

Mặt khác, điều nguy hiểm khi xem công ty là gia đình là sự nhầm lẫn của bạn, giữa đồng nghiệp và người thân. Khi gặp những điều bất mãn với công việc, bạn hoàn toàn có thể thôi việc và giữ mối quan hệ với những người bạn của mình. Thế nhưng khi đặt tâm thế là "người nhà", có nhiều khả năng bạn sẽ chọn ở lại và tiếp tục thể hiện lòng trung thành với công ty. Điều không ai mong muốn, nếu đó là một công ty có văn hoá, lương thưởng... không tốt thì chẳng phải bạn đã phí công rồi sao?

Hãy xác định rằng trong trường hợp này, “gia đình thứ 2” của bạn không phải là công ty mà là những đồng nghiệp kia, và họ sẽ luôn mong cho bạn những điều tốt nhất, dù cho bạn chọn rời công ty, họ cũng hiểu rằng bạn chỉ đang làm điều lợi ích của mình.

Bạn có thể nghỉ việc để tìm chỗ tốt hơn, gia đình thì chỉ có một

Lòng tin có lẽ là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một gia đình, nhưng để xây dựng một công ty thì khác. Cấp trên có thể tin tưởng bạn thông qua những gì bạn làm được và giao cho bạn những nhiệm vụ khó hơn để bạn có thể chứng tỏ năng lực của bản thân. Thế nhưng chuyện ngược lại thì rất ít khi nào xảy ra.

Bạn không thể trông chờ “lòng tin” của mình dành cho công ty sẽ chứng minh được điều gì đó trong mắt cấp trên.

Có rất ít lý do khiến ta nghĩ đến việc rời xa vòng tay bố mẹ, và kể cả họ có đối xử tệ với ta thế nào, việc từ bỏ gia đình là một chuyện vô cùng đau lòng. Nhưng từ bỏ một công ty thì khác, có vô vàn nguyên nhân để nghỉ việc và ta không cần phải cảm thấy có lỗi với bất kỳ ai khi làm thế.

 Vì sao Hãy xem công ty như một gia đình là lời khuyên sai lầm? - Ảnh 2.

Mấu chốt là việc quyết định nghỉ việc không đồng nghĩa với phản bội. Về khía cạnh công việc, bạn luôn có thể chọn những vị trí phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng của bản thân.

Gia đình không đánh giá bạn bằng KPI, nhưng công ty thì có

Hẳn là ai trong chúng ta cũng từng làm mẹ mình thất vọng nhỉ? Ta có thể là một đứa trẻ bướng bỉnh và mẹ sẽ không bao giờ giận. Mẹ sẽ chẳng sa thải bạn khi bạn bị mất phong độ trong công việc, mẹ cũng chẳng khiển trách khi doanh thu của tháng không đạt mục tiêu. Sự gắn kết của gia đình chưa bao giờ phụ thuộc vào hiệu suất làm việc cả.

Nhưng công ty thì khác. Bộ phận nhân sự sẽ không thuê bạn vì tình yêu hay vì lời hứa hẹn sẽ trung thành của bạn, vì theo mặt thực tế thì một công ty không thể cảm nhận được những thứ như thế. Họ thuê bạn làm việc vì những giá trị mà bạn có thể tạo ra hoặc đóng góp cho công ty.

 Vì sao Hãy xem công ty như một gia đình là lời khuyên sai lầm? - Ảnh 3.

Gia đình không đánh giá bạn bằng KPI, nhưng công ty thì có, thậm chí họ còn đánh giá năng lực của bạn qua từng giai đoạn và đôi khi là đi đến quyết định sa thải khi nhận thấy bạn không còn đáp ứng đủ những gì mà họ đề ra. Việc sa thải nhân viên thật ra không hiếm như bạn nghĩ, một số công ty còn thường xuyên “lọc máu" - thay thế cùng lúc nhiều sự vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Kết

Công ty sẽ không bao giờ là một gia đình, nếu bạn xem cấp trên như người nhà và hy vọng họ sẽ xem bạn như “favorite kid" (đứa con được cưng chiều nhất) thì bạn sẽ chỉ nhận được những cảm xúc tiêu cực khi nhận được đánh giá tệ hại về kết quả công việc mà thôi.

Mặt khác, nếu xem văn phòng như nhà, thì sự thoải mái quá chớn của bạn cũng có thể làm ảnh hưởng đến năng suất làm việc và đây là điều không chức nào muốn hướng đến. Thế nên hãy giữ một tâm thế chuyên nghiệp và biết mình có thể mong chờ điều gì ở công ty nhé!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm