Vào mùa thu năm 2008, giá xăng tại Mỹ lên mức cao kỷ lục và 2 ứng cử viên Tổng thống lúc đó là John McCain lẫn bà Hillary Clinton đều đưa ra cam kết giảm giá xăng cho chiến dịch chạy đua bầu cử của mình.
Thế nhưng, người chiến thắng trong mùa bầu cử đó là Cựu Tổng thống Barack Obama lại phản đối việc giảm giá xăng để thu hút phiếu bầu.
"Cách dễ nhất cho các chính trị gia thu hút phiếu bầu là hứa hẹn những gì bạn muốn", Cựu Tổng thống Barack Obama nói vào năm 2008.
Sau đó 14 năm, Cựu Phó Tổng thống của ông Obama và hiện là Tổng thống Mỹ Joe Biden lại đang thúc đẩy kế hoạch giảm thuế xăng dầu nữa trong bối cảnh giá nhiên liệu cao kỷ lục còn lạm phát ở mức đỉnh 40 năm qua.
Cụ thể, Tổng thống Joe Biden muốn tạm hoãn thu 18,3% thuế xăng trên mỗi gallon trong vòng 3 tháng nhằm đối phó tình hình giá nhiên liệu đắt đỏ.
Theo hãng tin CNN, nếu kế hoạch này được Nghị viện thông qua thì giá xăng có thể giảm đến 18% trên mỗi gallon và giúp chính phủ giải thoát được phần nào vấn đề đau đầu hiện nay.
Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine diễn ra, giá xăng tại Mỹ đã tăng 41% lên mức cao kỳ lục, qua đó đẩy lạm phát phi mã lên mức cao nhất 40 năm, qua đó khiến nhiều hộ gia đình Mỹ lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn, đồng thời xói mòn sức mua tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến kinh tế.
Thậm chí Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải nâng lãi suất ở mức kỷ lục nhằm chống lạm phát cũng như rủi ro suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên theo hãng tin CNN, kế hoạch tăng giá xăng này lại vẫn đang gây nhiều tranh cãi bởi thực tế nó đem lại lợi ích ngắn hạn cũng như thu hút phiếu bầu của cử tri hơn là giải quyết vấn đề.
Uống độc giải khát
Hãng tin CNN cho biết việc giảm thuế xăng trong ngắn hạn sẽ hạ nhiệt thị trường nhưng không giải quyết được cú sốc tăng giá nhiên liệu về dài hạn bởi vấn đề nằm ở nguồn cung-cầu.
Thị phần quá lớn mà Nga để lại trong khi những nhà cung cấp khác không kịp tăng sản lượng, nhà đầu cơ đổ xô vào mua cùng đồng USD, vốn là đồng tiền để giao dịch dầu thô trên thị trường quốc tế, tăng giá đã khiến giá xăng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, việc nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại khiến nhu cầu tăng nhưng các nhà cung ứng lại chưa thể phục hồi công suất hoàn toàn do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân công hay chi phí khai thác, sản xuất quá cao do lạm phát.
Nếu không thể giải quyết triệt để những vấn đề trên thì giá nhiên liệu vẫn sẽ lên cao bất chấp có cắt giảm thuế xăng dầu đi bao nhiêu chăng nữa.
Tiếp đó, hãng tin CNN đánh giá việc giảm thuế xăng dầu là bước đi không thực sự khôn ngoan trong bối cảnh hiện nay vì có thể đẩy thị trường đi sai hướng. Việc cắt giảm thuế xăng khiến giá hạ sẽ thúc đẩy nhu cầu mua vào, qua đó lại làm giá tăng trở lại bởi vấn đề thực sự nằm ở nguồn cung-cầu như đã nói ở trên.
"Trong bối cảnh mất cân bằng cung cầu khiến giá cả bị đẩy lên cao như hiện nay, việc giảm thuế sẽ khiến nhiều người tiêu thụ xăng hơn nữa và làm giá tăng trở lại", chuyên gia Patrick DeHaan của GasBuddy nhận định.
Theo lý thuyết kinh tế, việc mất cân bằng cung cầu khiến giá cao thì nên để giá cao, qua đó để thị trường tự điều tiết nếu không thể tác động trực tiếp vào mức cung cầu. Tuy nhiên chính phủ Mỹ lại khó lòng làm được điều này khi lạm phát tăng quá cao khiến rủi ro suy thoái đang đến gần.
Nhiều bất cập
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định cắt giảm thuế xăng cuối cùng sẽ không thành công và còn khiến lạm phát tăng, qua đó buộc FED lại phải nâng lại suất cao hơn nữa.
"Bạn muốn mọi người dùng xăng ít đi thì việc giảm thuế xăng lại đang đi ngược mục tiêu này đấy", chuyên gia Zandi nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Zandi cũng cho rằng việc cắt giảm thuế này sẽ chỉ đem lại lợi ích cho công ty năng lượng thay vì cho người dân. Thuế có thể giảm ngay nếu được Nghị viên thông qua, nhưng các công ty sẽ cần lộ trình để hạ giá xăng hoặc thậm chí chỉ giảm nhẹ.
Một vấn đề nữa là việc giảm thuế xăng sẽ khiến thâm hụt ngân sách, cụ thể ở đây là Quỹ tín thác cầu đường (HTF) được dùng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Đây là một vấn đề nan giải bởi chi phí xây dựng đã tăng cao do lạm phát mà ngân sách hỗ trợ còn bị cắt giảm thì hệ thống cơ sở hạ tầng tại Mỹ sẽ gặp nhiều vấn đề. Đó là chưa kể những hệ quả lan rộng khi các dự án đầu tư công bị đình trệ vì thiếu ngân sách, ảnh hưởng đến số lượng việc làm, tiêu dùng...
Xin được nhắc là thuế xăng dầu tại Mỹ chưa từng được tăng kể từ năm 1993, lúc giá xăng chỉ hơn 1 USD/gallon.
"Ý tưởng cắt giảm thuế xăng này nhìn thì có vẻ hạ nhiệt thị trường hiện nay nhưng thực tế chúng sẽ tạo thêm nhiều hệ lụy trong dài hạn", Chính trị gia Gary Cohn của Đảng Dân chủ, người từng là cố vấn kinh tế dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump, nhận định.
*Nguồn: CNN