Thời sự

Giám đốc EduTrade: Giá xăng có thể gần 50.000 đồng/lít khi giá dầu đến 146 USD/thùng

Theo Trading Economics, giá dầu WTI ngày 22/6 là 106 USD/thùng, dầu Brent là 111 USD/thùng. So với thời điểm trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra ngày 24/2, giá hai loại dầu trên đang cao hơn khoảng 20%.

Cuộc chiến tại Ukraine ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu thế giới vì Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba toàn cầu, sau Mỹ và Saudi Arabia trong năm 2021 với khoảng 11,3 triệu thùng dầu/ngày. Mới đây, một báo cáo ngân hàng Mỹ Bank of America cho rằng giá dầu Brent có thể vượt 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm.

Ông Trần Trọng Nhân, Giám đốc của CTCP EduTrade - đơn vị thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, chia sẻ với Người Đồng Hành về nhiều vấn đề liên quan đến giá dầu.

- OPEC+ trong thời gian qua đã tăng sản lượng dầu nhưng giá dầu thế giới vẫn ở mức cao? Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Trong dự báo mới nhất, OPEC cho biết thế giới tiêu thụ khoảng 100,5 triệu thùng dầu/ngày, so với mức 96,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Như vậy, nhu cầu tăng khoảng 3,3 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng khai thác giảm.

Theo giám đốc điều hành tập đoàn BP, ông Bernard Looney, trong tháng 3, sản lượng giảm khoảng 0,5 triệu thùng/ngày. Nhưng đến cuối tháng 4, mức giảm đã lên tới 1 triệu thùng/ngày. Đến hết tháng 5, con số này có thể lên đến 2 triệu thùng/ngày. Lượng dầu thiếu hụt từ Nga có thể sẽ không sớm quay trở lại thị trường.

Tối 2/6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng và Liên minh châu Âu (EU) thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Tuyên bố của OPEC+ nêu rõ cuộc họp trực tuyến của tổ chức này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thị trường cân bằng và ổn định, do đó OPEC+ quyết định sẽ tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8. Con số này cao hơn 216.000 thùng/ngày so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.

Nhu cầu cần hơn 3,3 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng tăng là 216.000 thùng/ngày. OPEC+ có tăng sản lượng nhưng "như muối bỏ biển". Do đó, cầu vẫn thiếu và giá dầu vẫn ở mức cao.

Bản thân OPEC cũng tuyên bố không có nguồn cung nào bù đắp được nguồn dầu từ Nga. Những nỗ lực của Mỹ trong thời gian qua như để xoa dịu tình hình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du sang Venezuela nhưng quốc gia này cũng từ chối bán dầu. Ông Biden cũng sang Iran nhưng nhận được câu trả lời tương tự.

- Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Động thái này ảnh hưởng thế nào đến thị trường chung?

- Liên minh châu Âu nhập 40% dầu mỏ từ Nga. Ở đây, EU chỉ cấm nhập dầu Nga bằng đường khác, còn đường ống thì vẫn nhập bình thường. Đường ống vốn có từ thời Liên Xô cũ và lượng dầu mà EU nhập khẩu bằng đường ống từ Nga chiếm đến 80%. Nếu muốn thay đổi đường ống thì thời gian cần rất nhiều. Do đó, động thái cấm vận của EU ít có tác động đến thị trường.

- Còn về thị trường trong nước, tại sao sản lượng dầu thô của Việt Nam lớn nhưng vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập mặt hàng này?

- Việt Nam khai thác dầu với sản lượng phục vụ một phần nhu cầu trong nước. Các dự án khai thác và lọc dầu của Việt Nam hiện nay thường liên doanh với các tập đoàn ở nước ngoài vì Việt Nam chưa có đủ công nghệ, do đó khi các bên theo hình thức liên doanh thì sẽ có hợp đồng ràng buộc.

Con số tiêu thụ trong nước được dự báo cho năm nay là 20,7 triệu m3, trong đó nguồn cung trong nước có thể đảm bảo khoảng 70%, còn lại là nhập khẩu.

- Giá dầu thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát?

- Khi giá năng lượng tăng, các sản phẩm lương thực như lúa, gạo... cũng tăng. Cụ thể, khi giá xăng đi lên thì chi phí vận chuyển cũng tăng, kéo theo giá thành tăng. Các mặt hàng lương thực liên quan mật thiết đến phân bón, trong khi nhiều loại phân bón được sản xuất từ phế phẩm của dầu lửa. Khi phân bón tăng, nhiều nơi sẽ điều chỉnh giảm lượng phân sử dụng khiến năng suất nông nghiệp giảm, sản lượng giảm và lại đẩy giá lên cao.

Nga và Ukraine vốn là những quốc gia xuất khẩu lúa mì, ngô lớn trên thế giới. Chiến tranh nổ ra, việc trồng trọt và xuất khẩu bị ảnh hưởng nên đã tác động đến nguồn cung thế giới.

Thứ hai, Ukraine xuất khẩu qua cảng Mariupol mà cảng này Nga đã kiểm soát và không để Ukraine xuất hàng hóa. Trong khi đó, ở khu vực châu Âu, chỉ một số quốc gia sản xuất nông nghiệp, còn lại đa phần nhập khẩu lương thực.

- Ông dự báo diễn biến trong thời gian tới của giá xăng dầu như thế nào?

- Về giá dầu, hiện Trung Quốc đang phong tỏa nhưng giá dầu ở mức gần 115 USD/thùng. Nếu khoảng một tháng nữa, Trung Quốc dỡ phong tỏa, nhu cầu dầu tại Trung Quốc sẽ hồi phục.

Theo tôi, giá dầu sẽ đi ngang, sau đó lên 126 USD/thùng và giảm xuống còn 100 USD/thùng. Sau thời gian giảm này, giá dầu có thể lên đến 146 USD/thùng từ nay đến cuối năm. Khi giá dầu lên đến 146 USD/thùng thì giá xăng trong nước có thể lên đến gần 50.000 đồng/lít.

- Xin cảm ơn ông. 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm