Nhiều người nuôi chó vẫn thường tự hỏi: Làm sao con chó biết tên của mình? Tại sao chỉ cần gọi một tiếng, nó lại vẫy đuôi, ngoảnh lại, rồi lao tới đầy phấn khích?
Hóa ra, phía sau phản ứng tưởng chừng đơn giản ấy lại là một chuỗi quá trình khoa học phức tạp: từ thính giác siêu việt, bộ não thông minh, di truyền học… đến cả tình yêu thương.
Tai chó: "siêu năng lực" thính giác định danh

Chó nghe và hiểu được cảm xúc của chủ nhân (Ảnh: Getty).
Thính giác của chó được ví như một thiết bị thu âm công nghệ cao. Trong khi con người chỉ có thể nghe âm thanh ở tần số 20-20.000 Hz, chó có khả năng tiếp nhận từ 40.000 đến 60.000 Hz - cao gấp nhiều lần.
Nghiên cứu từ Đại học Tokyo chỉ ra rằng, khi con người gọi tên chó bằng giọng trìu mến, sóng âm phát ra tạo nên một "mã sóng đặc trưng" mà chó có thể nhận diện và liên kết với chính bản thân mình. Đây chính là lý do vì sao dù trong công viên đông đúc, chú chó vẫn ngoảnh lại khi bạn cất tiếng gọi.
Ở một số giống chó làm nhiệm vụ đặc biệt như chó dẫn đường, khả năng phân tích âm thanh còn lên một tầm cao hơn - chúng thậm chí nhận biết được tâm trạng của chủ qua tiếng bước chân, nhịp thở và giọng nói, từ đó có phản ứng tương ứng.
Bộ não chó - bộ xử lý ngôn ngữ và cảm xúc mạnh mẽ
Bộ não của chó không chỉ để điều khiển hành vi mà còn xử lý ngôn ngữ và cảm xúc rất tốt.
Một nghiên cứu đăng trên Science cho thấy, chó có vùng não phản ứng đặc biệt khi nghe thấy giọng người quen - tương tự cách não người phản hồi với tiếng gọi tên mình.
Điều này một phần là nhờ đột biến gen đặc biệt trong quá trình thuần hóa chó từ sói. Nghiên cứu tại Viện Di truyền Uppsala (Thụy Điển) đã phát hiện, chó hiện đại có sự điều chỉnh ở các gen liên quan đến tương tác xã hội và nhận thức, giúp chúng thấu hiểu ngôn ngữ con người và gắn bó tình cảm sâu sắc hơn.
Không phải giống chó nào cũng như nhau
Giống chó ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nhận diện tên gọi và phản hồi mệnh lệnh.
Theo dữ liệu từ một phòng thí nghiệm hành vi tại Canada, giống Border Collie, Poodle và Golden Retriever có tỉ lệ phản ứng chính xác khi nghe tên lên tới 92%. Chúng được ví như những học sinh giỏi trong lớp huấn luyện. Chỉ cần chủ nói tên là đã sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh.
Ngược lại, những giống chó độc lập hơn như: Shiba Inu, Afghan Hound hoặc Basenji có xu hướng… nghe thì nghe đấy, nhưng chạy đến hay không là chuyện khác.
Điều đó không có nghĩa là chúng không biết tên mình, mà là mức độ đáp ứng phụ thuộc vào tính cách, động lực và mức độ gắn kết với chủ.
Tình yêu thương - sợi dây vô hình
Cuối cùng - và quan trọng nhất - chính là tình cảm giữa chó và con người. Thí nghiệm tại Đại học Emory (Hoa Kỳ) cho thấy:
- 87% số chó có thể xác định chủ mình đứng ở đâu chỉ qua giọng nói khi bị ngăn cách bởi tường.
- 62% số chó chạy đến an ủi chủ khi nghe thấy tiếng khóc - bất kể trước đó chúng đang chơi hay ngủ.
Chó không chỉ nghe thấy tên gọi, mà còn cảm nhận được tâm trạng và năng lượng trong giọng nói. Nếu bạn gọi nó bằng giọng vui vẻ, nó sẽ nhảy cẫng lên như lò xo. Còn nếu bạn gọi với giọng giận dữ, nó sẽ chậm rãi đi tới, cúi đầu rụt cổ như thể xin lỗi.
Từ thính giác nhạy bén, bộ não đặc biệt đến khả năng học hỏi và cảm xúc, mọi yếu tố đều góp phần tạo nên mối liên kết sâu sắc giữa chó và con người.