Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cục Hải quan cho biết trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu được 487.670 tấn sắn (khoai mì) và các sản phẩm từ sắn, với trị giá 139,19 triệu USD, tăng 55,6% về lượng, nhưng giảm 1,4% về trị giá so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,21 triệu tấn, trị giá 372,88 triệu USD, tăng 28,4% về lượng, nhưng giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, do giá xuất khẩu giảm mạnh.
Tháng 3, giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này ở mức 285,4 USD/tấn, giảm 36,7% so với tháng 3/2024. Lũy kế 3 tháng, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 307,8 USD/tấn, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mặt hàng này nhiều nhất của Việt Nam, đạt 1,15 triệu tấn với trị giá 349,48 triệu USD trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, tinh bột sắn là một trong số mặt hàng được Trung Quốc tăng mua từ đầu năm đến nay. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 48,49% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, một số thị trường khác như Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Pakistan cũng tăng nhập khẩu sắn từ Việt Nam trong tháng 3. Đáng chú ý, cơ quan chức năng cho biết xuất khẩu sắn sang Malaysia tiếp tục tăng mạnh, tăng tới 139,9% về lượng và tăng 63,5% về trị giá so với tháng 3/2024.
Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường này đang có xu hướng tăng. Trong khi, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc lại giảm mạnh.

Sắn là loại cây rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí sản xuất thấp (Ảnh: Bảo Trân).
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện cả nước có trên 40 tỉnh, thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với diện tích 520.000-550.000ha, năng suất đạt 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi.
Về chế biến, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm. Các nhà máy phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ với khoảng trên 70 nhà máy.
Theo đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn, trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%.
Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2 tỷ USD.