Khởi nghiệp

Ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” sau 2 năm lỗ hơn 1.400 tỷ: Liệu có làm nên chuyện?

Ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” sau 2 năm lỗ hơn 1.400 tỷ: Liệu có làm nên chuyện?- Ảnh 1.

MoMo mới đây vừa tuyên bố tên gọi mới - “Trợ thủ tài chính với AI”. Ra mắt vào tháng 11/2010 với xuất phát điểm là dịch vụ ví điện tử, thông báo lần này cho biết Momo không còn định vị là một ví điện tử.

Ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” sau 2 năm lỗ hơn 1.400 tỷ: Liệu có làm nên chuyện?- Ảnh 2.

Động thái của Momo diễn ra trong bối cảnh ví điện tử được đánh giá là đang bị mất lợi thế rất mạnh bởi phương thức thanh toán mã QR của các ngân hàng.

Không có khuyến mãi, không có hệ sinh thái mua sắm và giải trí tiện lợi đi kèm nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, riêng 2 tháng đầu năm 2024, thanh toán qua phương thức QR Code đã tăng 846,41% về số lượng và 1.146,14% về giá trị.

Rất dễ giải thích cho việc QR Code lên ngôi, khi người dùng có thể thanh toán trực tiếp từ tài khoản của mình mà không cần thêm một bước nạp tiền vào tài khoản ví rồi mới có thể thanh toán.

Trong khi đó, cuộc chiến "đốt tiền" của các ví điện tử chưa thấy hồi kết, khi mà nếu không có mã ưu đãi hay một số liên kết thanh toán riêng biệt với một số đối tác, người dùng sẽ ít có lý do để dùng ví điện tử.

Theo số liệu từ Vietdata, năm 2022, Momo lỗ ròng 1.150 tỷ đồng và năm 2023 lỗ hơn 287 tỷ đồng. Zalo Pay cũng chung cảnh lỗ trên 1.000 tỷ trong những năm qua.

Ví điện tử Moca của Grab dù giảm được mức lỗ từ trăm tỷ còn vài chục tỷ song cũng đã từ bỏ cuộc chơi. Bên cạnh lý do vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trung gian thanh toán, Grab khai tử Moca nhằm mục tiêu tối ưu lợi nhuận trong bối cảnh ví điện tử vẫn là mảng "đốt tiền".

Ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” sau 2 năm lỗ hơn 1.400 tỷ: Liệu có làm nên chuyện?- Ảnh 3.

Còn một vấn đề khác.

Cuối năm 2023, Momo vướng vào lùm xùm liên quan đến các tổ chức đánh bạc online, trước đó nữa ví cũng từng gây tranh cãi khi là đối tác của các nền tảng cho vay nặng lãi Money Cat…

Nói về những vấn nạn này, đại diện Ví điện tử MoMo cho biết đây là bài toán khó hiện nay của ví điện tử. Dù doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn có nhiều biện pháp lợi dụng ví điện tử để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật như sử dụng danh tính, giấy tờ và tài khoản ngân hàng thuê, mượn của người dân tạo lập nhiều tài khoản ví điện tử, gây khó khăn cho việc xác minh vi phạm.

Ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” sau 2 năm lỗ hơn 1.400 tỷ: Liệu có làm nên chuyện?- Ảnh 4.

Ảnh: Momo từng gây tranh cãi khi là đối tác của các nền tảng cho vay nặng lãi Money Cat….

Nhưng khi ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” và liệu có làm nên chuyện?

Ví điện tử hết thời, Momo “quay xe” sau 2 năm lỗ hơn 1.400 tỷ: Liệu có làm nên chuyện?- Ảnh 5.

Năm 2022, đại diện MoMo từng cho biết: “Một ứng dụng chỉ có chức năng thanh toán riêng thì khó phát triển tại Việt Nam".

Thực tế các ví điện tử ngày nay đều đã đi theo con đường siêu ứng dụng khi phát triển thành nền tảng tích hợp nhiều dịch vụ và chức năng. Sau đó cung cấp giải pháp quản lý tài chính cá nhân như lập ngân sách, đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm.

Khi ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), các ví điện tử - siêu ứng dụng này sẽ tiếp tục đưa ra giải pháp và dịch vụ mới như dựa trên lịch sử giao dịch để gợi ý các sản phẩm, dịch vụ phù hợp và tối ưu cho cá nhân người dùng; tìm kiếm bằng thoại...

Tuy nhiên có một thực tế là theo đánh giá của người dùng, các ví điện tử tại Việt Nam chưa thực sự thành công trong việc khiến các khách hàng nhận thức được những tiện ích tích hợp sẵn có trên nền tảng của mình. Họ vẫn đang nhận diện ứng dụng này là "ví điện tử" với chức năng thanh toán là chính.

GenZ - với đặc tính thích ứng nhanh với các dịch vụ mới và có xu hướng quan tâm đến quản lý tài chính cá nhân từ sớm - luôn là đối tượng người dùng mục tiêu.

Việc tuyên bố trở thành “Trợ thủ tài chính với AI” của Momo trong bối cảnh đã "đốt" hàng nghìn tỷ đồng sẽ cần thời gian để chứng minh hiệu quả, chưa kể "trợ thủ tài chính" cũng là một cuộc đua đốt tiền không kém.

Dù vậy, hãy nhớ lại lời của ông Nguyễn Mạnh Tường - Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành MoMo – chia sẻ nhân dịp Momo đổi tên: "Phiên bản đầu tiên có hình cái lá, giống như chiếc lá cuối cùng trong chuyện ngắn cùng tên của nhà văn O'Henry, chúng luôn tin là còn sống thì còn cơ hội, vượt qua nhiều cơn thập tử nhất sinh để tồn tại và phát triển".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm