Cụ thể là quy định người sử dụng đất là “cá nhân người nước ngoài” theo dự thảo, “cá nhân người nước ngoài” không được xem là người sử dụng đất; không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Trong khi đó, Luật Nhà ở 2014 đang quy định, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.
Còn Luật Kinh doanh bất động sản 2014 lại quy định “cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở” tại khoản 2 Điều 14; “Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất.” tại khoản 1 Điều 19.
Như vậy, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở và như vậy là mâu thuẫn với nội dung dự thảo Luật Đất đai đang được thẩm định và lấy ý kiến góp ý. Điều này, dường như cũng chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về "việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.
Mặt khác, còn có một vấn đề đặt ra là nếu người nước ngoài bán nhà cho người Việt Nam thì người mua có được thừa nhận quyền sử dụng đất không. Nếu không như quy định tại dự thảo thì vô hình chung quyền của người mua là người Việt Nam sẽ không được đảm bảo.
Từ những phân tích trên đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về người sử dụng đất đối với người nước ngoài để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn quy định “người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có giấy chứng nhận …”.
Trong khi đó, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hiện thời lại quy định, chỉ trường hợp chủ đầu tư kinh doanh bất động sản kinh doanh bất động sản theo hình thức bán có sẵn thì mới cần phải có giấy chứng nhận. Các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là các trường hợp không yêu cầu phải có giấy chứng nhận. Như vậy là có bất hợp lý và VCCI, cũng đề nghị điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất giữa các luật.
Với các trường hợp cho thuê đất trả tiền đất một lần, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ nội dung: “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê” thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Điều này có nghĩa là trường hợp này sẽ chỉ là Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm.
Trong khi đó, tại Điều 198 của dự thảo này lại quy định, tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm chỉ được “bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất khi có đủ điều kiện”. Như vậy, quy định này là chưa phù hợp với quy định về điều kiện của tài sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014
Bởi lẽ, theo Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản có quyền bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Điều kiện để bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng; có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định chủ đầu tư chỉ được bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất sau khi đáp ứng điều kiện là tài sản được tạo lập hợp pháp; đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị điều chỉnh lại quy định này tại dự thảo để đảm bảo tính thống nhất.
Nội dung điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu vực đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần phải nghiên cứu lại.
Dự thảo quy định các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê. Nhưng Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ quy định các điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản. Đó là vấn đề không trùng khớp nhau giữa 2 đạo luật này, có thể gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp.