Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) David Beasley cho biết như thế với hãng tin AP hôm 20-8 từ miền Bắc Kenya, nơi đang bị hạn hán nặng nề. Theo ông Beasley, phía Mỹ chưa xác nhận đích đến của số ngũ cốc trên và các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra.
Ông Beasley cho biết con tàu cứu trợ từ Ukraine mang theo 23.000 tấn ngũ cốc, đủ để cung cấp cho 1,5 triệu người với khẩu phần đầy đủ trong một tháng.
Tàu dự kiến cập cảng Djibouti vào ngày 26-8 hoặc 27-8. Sau đó, lúa mì sẽ được vận chuyển qua đường bộ tới miền Bắc Ethiopia, nơi hàng triệu người ở các vùng Tigray, Afar và Amhara không chỉ đối mặt với hạn hán mà còn là xung đột đẫm máu.
Chuyến hàng trên là một trong số chuyến lương thực mà WFP đang kỳ vọng để viện trợ lương thực trong cuộc chiến chống nạn đói.
Ước tính, lượng ngũ cốc trong chuyến hàng này gấp hơn 6 lần lượng ngũ cốc trong chuyến hàng đầu tiên do WFP sắp xếp từ Ukraine. Hiện chuyến tàu đầu tiên này đang chở ngũ cốc tới hỗ trợ người dân ở vùng Sừng châu Phi có nguy cơ bị đói.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới – ông David Beasley (giữa) – nói chuyện với dân làng Wagalla ở miền Bắc Kenya. Ảnh: AP
WFP cho biết số người có nguy cơ chết đói ở vùng Sừng châu Phi bị hạn hán tàn phá đã tăng lên 22 triệu người.
Các nhóm cứu trợ cho biết nhiều năm không đủ mưa trên khắp Kenya, Somalia và Ethiopia đã gây ra đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm và tình trạng như nạn đói ở những khu vực này cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kenya đang phải đối mặt với một mùa hạn hán nữa nếu trong vòng vài tuần tới trời không đổ mưa. Kịch bản này có thể khiến nhiều vùng châu Phi, đặc biệt là nước láng giềng Somalia, rơi vào nạn đói.
Giám đốc WFP mô tả tình huống mà vùng Sừng châu Phi đối mặt là "sóng thần trên đỉnh sóng thần" khi khu vực bị hạn hán nặng nề này còn hứng chịu thêm ảnh hưởng từ giá lương thực và nhiên liệu tăng cao kỷ lục.
Trong khi đó, Tổng thư ký Antonio Guterres ngày 20-8 cho biết Liên Hiệp Quốc đang làm việc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đưa thực phẩm và phân bón Nga ra thị trường thế giới. Cụ thể, Liên Hiệp Quốc đang làm việc với Washington và EU để tháo gỡ một số trở ngại, bao gồm vận chuyển, bảo hiểm và tài chính.
Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết Liên Hiệp Quốc đang nỗ lực đưa thực phẩm và phân bón Nga ra thị trường thế giới. Ảnh: Reuters
Ông Guterres nói trong chuyến thăm thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ: "Nếu không có phân bón vào năm 2022, có thể sẽ không có đủ lương thực vào năm 2023. Việc cho phép Ukraine và Nga xuất khẩu lương thực là điều rất quan trọng để tiếp tục trấn an thị trường hàng hóa và hạ giá cho người tiêu dùng".
Trong khi hơn 650.000 tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác đã rời khỏi các cảng của Ukraine ở Biển Đen kể từ khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, ông Guterres cho biết việc xuất sản phẩm của Nga cũng rất quan trọng.
Hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Guterres: "Phần khác của thỏa thuận (xuất khẩu ngũ cốc) là việc thực phẩm và phân bón Nga cũng có quyền tiếp cận không bị cản trở vào các thị trường toàn cầu".
Trong tuần này, ông Guterres đã đến TP Lviv (phía Tây Ukraine) để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.