Sáng 17/3 đã diễn ra phiên kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) với nhiều vấn đề liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.
Kiến nghị tại Diễn đàn, nhóm công tác Đầu tư và Thương mại và Cơ sở hạ tầng (VBF) nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến đất đai. Theo đó, các công ty nước ngoài bày tỏ băn khoăn về việc có tiếp tục sử dụng quyền sử dụng đất và nhà xưởng sau khi hết thời hạn liên doanh hay việc thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Kiến nghị cho phép thế chấp đất để vay vốn nước ngoài
Một trong những vấn đề được nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF đưa ra là việc tiếp cận với các nguồn vốn quốc tế. Hiện quy định pháp luật không cho phép các doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng vốn để vay vốn tại các tổ chức tín dụng nước ngoài. Do đó, nhóm công tác đề xuất có thể cho phép vay vốn gián tiếp, thế chấp bằng quyền sử dụng đất thông qua các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo ông Trần Tuấn Phong, Đồng trưởng nhóm công tác Cơ sở Hạ tầng VBF, các công ty ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tài chính cạnh tranh bên ngoài Việt Nam vì họ không thể thế chấp nhà xưởng và quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài.
Vì vậy, ông Phong kiến nghị các cơ quan lập pháp có thể xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép các công ty ở Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp VBF cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ tăng cường bảo lãnh trên quan điểm đảm bảo khả năng vay vốn nhằm bảo đảm các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn bằng cách áp dụng linh hoạt hỗ trợ đầu tư đặc biệt hoặc bảo đảm đầu tư theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư và Điều 3.2 (a) Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư xin cấp phép thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn này theo cơ chế của Luật Đầu tư thay vì theo hình thức dự án hợp tác công - tư (PPP) do quy trình đầu tư mất nhiều thời gian theo các quy định về PPP.
Bảo lãnh của Chính phủ theo Luật Đầu tư cũng cần được cấp cho các nhà đầu tư đủ điều kiện trong các dự án PPP để đảm bảo khả năng thanh khoản của các dự án này. Ông Phong nhận định nguồn tài chính quốc tế rất quan trọng, đặc biệt khi tín dụng trong nước không đảm bảo.
"Không thể vay vốn quốc tế nếu không cho thế chấp quyền sử dụng đất. Chúng ta chỉ cần đảm bảo không một tổ chức nước ngoài nào được có thẩm quyền tư pháp trên đất của Việt Nam. Khi làm các dự án điện lên đến 1,5-1,8 tỷ USD, không một ngân hàng Việt Nam nào có thể cấp tín dụng, khi đó, nguồn vốn quốc tế rất quan trọng", ông nhận định.
Trả lời về kiến nghị của nhóm công tác, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, những khó khăn vướng mắc, trong Nghị định 31 về thi hành luật đầu tư hiện Bộ đang theo dõi và tích cực giải quyết.
Mặc dù trong Nghị định 31 đã có những quy định, cụ thể nhưng nhiều vấn đề chưa được xử lý triệt để. Bộ KH&ĐT sẽ ghi nhận và kiến nghị Chính phủ có những quy định cụ thể hơn để khắc phục vướng mắc hiện nay.
Tiếp tục đầu tư sau khi hết hạn liên doanh
Ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư - Thương mại VBF thì nêu kiến nghị về việc có một số công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vào đầu những năm 1990 và thành lập liên doanh, điển hình là các doanh nghiệp nhà nước góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thời hạn của các liên doanh đó thường là 30 năm và sẽ hết hạn trong thời gian tới.
"Do hầu hết những nhà đầu tư nước ngoài này đều mong muốn tiếp tục thực hiện dự án tại Việt Nam, nhóm công tác của VBF đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục các dự án đầu tư đó, bao gồm cả việc gia hạn quyền sử dụng đất và hệ thống nhà máy để giúp họ có được sự đảm bảo nhất định sau khi hết thời hạn của các dự án đầu tư liên doanh", ông nói.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các dự án sắp hết hạn đã có quy định cụ thể ở các văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp liên doanh có dự án sắp hết hạn muốn tiếp tục đầu tư sẽ căn cứ trên các quy định về đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan. Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ quan tâm, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.