Vàng lặng sóng trước ngày sửa Nghị định 24
Hôm qua 15.7 là hạn chót Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012 (NĐ24) của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng. Thế nhưng giá vàng đứng yên suốt cả ngày.
Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM (SJC) mua vào 119,1 triệu đồng/lượng, bán ra 121,1 triệu đồng. Còn so với một ngày trước đó, mỗi lượng vàng miếng giảm 400.000 đồng. Tương tự, giá vàng nhẫn cũng giảm 400.000 đồng sau một ngày như SJC mua vào còn 114,6 triệu đồng, bán ra 117,1 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào xuống 115,6 triệu đồng, bán ra 118,6 triệu đồng…

Giá vàng trong nước sẽ giảm về tiệm cận thế giới khi sửa Nghị định 24 của Chính phủ
ẢNH: NGỌC THẮNG
Thị trường giao dịch khá thấp. Trên các diễn đàn vàng qua mạng, trong một số nhóm chat cũng không xuất hiện nhiều bình luận hay trao đổi như trước. Thỉnh thoảng chỉ có một vài thông tin kinh tế từ thế giới và trong nước được chia sẻ.
Giá vàng thế giới hôm qua giảm 11 USD, xuống 3.364,3 USD/ounce. Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đắt hơn thế giới 14,4 triệu đồng, còn vàng nhẫn cùng thương hiệu cao hơn 10,4 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ24 do NHNN công bố, Nhà nước sẽ bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Đồng thời, NHNN sẽ cấp phép theo hạn ngạch cho một số doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện để tham gia nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu để cung ứng cho thị trường trong nước; thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên phải được thực hiện thông qua tài khoản… Một số chuyên gia dự báo, thị trường trong nước sẽ có nhiều thay đổi sau khi NĐ24 được sửa đổi, nhất là khả năng giá vàng sẽ rút ngắn chênh lệch với thế giới như hiện nay.
Chuyên gia thị trường tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng: Xu hướng giá vàng luôn bị tác động bởi các biến đổi trên thị trường quốc tế. Nhưng sẽ không có chuyện kim loại quý thế giới tăng lên hay giảm đi cả trăm USD mà giá vàng trong nước lại đứng yên. Các chính sách của nhà nước liên quan đến thị trường hay cụ thể việc sửa đổi một số quy định quan trọng của NĐ24, nhất là cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu với mục tiêu nhằm đưa giá vàng trong nước tiệm cận với thế giới. Nếu như giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới thì có thể sẽ giảm để về sát hơn hoặc ngược lại. Với tình trạng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới gần 15 triệu thì khả năng khi NĐ24 được chính thức sửa đổi, giá trong nước sẽ giảm nhanh để mức chênh lệch này xuống thấp hơn. Điều này cũng đã từng xảy ra trong năm 2024 khi NHNN thông qua các ngân hàng thương mại bán vàng ra thị trường hay khi Chính phủ vừa yêu cầu xem xét sửa đổi NĐ24. Thông thường giá sẽ phản ứng nhanh hơn khi chính sách được thay đổi nhưng mức độ giảm thì có thể chậm hơn khi phụ thuộc vào kết quả thực hiện sau đó.
Riêng về xu hướng vàng thế giới, chuyên gia Phan Dũng Khánh dự báo, trong nửa cuối năm nay, kim loại quý chủ yếu dao động trong biên độ hẹp. Điều này có nghĩa giá vàng sẽ khó tăng mạnh nhưng cũng không giảm mạnh. Bởi câu chuyện thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố đầu tháng 4 đã tác động đến thị trường tài chính, trong đó có vàng và đến nay không còn gây ra nhiều biến động. Hơn nữa, xung đột quân sự giữa Israel và Iran cũng giúp kim loại quý đi lên nhưng vẫn chưa vượt được đỉnh của năm nay (giá vàng lập đỉnh giữa tháng 4 vừa qua trên 3.550 USD/ounce). Năm 2024, vàng đã liên tục vượt qua các đỉnh cũ nên xu hướng tăng rất rõ ràng.
Giá USD tăng lên gần đỉnh
Ngược với giá vàng, tỷ giá trong nước biến động nhiều thời gian gần đây. Hôm qua, NHNN tăng tỷ giá trung tâm 22 đồng, lên 25.148 đồng/USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 3 tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 0,4%, nâng tổng mức lên giá so với cuối năm 2024 lên 3,34% (tăng 813 đồng/USD). Các ngân hàng thương mại cũng đã tăng giá USD trở lại. Chẳng hạn, Vietcombank mua vào lên 25.950 đồng, bán ra 26.310 đồng; ACB mua vào 25.960 đồng, bán ra 26.310 đồng… Giá USD của các nhà băng hiện nay cách mức đỉnh vài chục đồng. So với đầu năm, giá USD trong ngân hàng tăng khoảng 760 đồng/USD, tương đương gần 3%. Giá USD trong nước tăng bất chấp trên thị trường thế giới đi xuống. Chỉ số USD-Index hôm qua giảm 0,2 điểm, xuống 97,96 điểm. So với đầu năm, chỉ số đồng USD đã giảm 12 điểm, tương đương mất 12,2%.

Giá USD và nhiều ngoại tệ tăng cao
ẢNH: NGỌC THẮNG
Tương tự giá USD, các ngoại tệ khác cũng tăng khá mạnh so với đầu năm. Tại Vietcombank, giá EUR tăng gần 4.000 đồng (tương đương 14,6%), được mua vào lên 30.015 đồng, bán ra 31.282 đồng; bảng Anh tăng 3.150 đồng (tương đương 9,7%), mua vào lên 34.544 đồng, bán ra 35.651 đồng; AUD tăng gần 1.300 đồng (tương đương 8%), mua vào 16.835 đồng, bán ra 17.374 đồng; nhân dân tệ tăng 158 đồng (tương đương tăng 4,7%), mua vào lên 3.589 đồng, bán ra 3.704 đồng…
Giá USD trong nước những ngày gần đây ở mức cao gần kỷ lục dù lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cao hơn lãi USD từ 0,1 - 0,3%. Ngày 11.7, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm ở mức 4,65%/năm, 1 tuần lên 4,66%/năm, 2 tuần 4,71%/năm…
Hôm qua, NHNN đã thực hiện bơm tiền ra thị trường khá mạnh. Trên thị trường mở, lượng tiền 35.977,94 tỉ đồng được đưa ra thị trường ở kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, lãi suất 4%/năm trong khi chiều hút về chưa đến 1.000 tỉ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,45%/năm. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nhà điều hành bơm ròng lượng tiền lớn ra thị trường.
Trong buổi họp báo tháng 7, lý giải tiền đồng mất giá khoảng 2,8% trong 6 tháng đầu năm dù chỉ số USD-Index giảm hơn 10%, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng để duy trì sức mạnh đồng tiền thì trước hết đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn, thể hiện ở lãi suất. Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ cuối năm 2022 đến nay, tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm thêm 0,6%/năm. Để lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỷ giá. Trong thời gian tới, NHNN cho rằng lãi suất, tỷ giá sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Nền kinh tế VN có độ mở lớn (xuất khẩu/GDP của VN có thời điểm lên tới trên 200%) nên chính sách thuế của Mỹ thời gian tới sẽ tác động lớn đến không chỉ dòng vốn đầu tư, hoạt động xuất khẩu của VN mà còn tác động mạnh tới các đối tác lớn của VN. Ngoài ra, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về cắt giảm lãi suất trong thời gian tới cũng sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái trong nước.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua ròng 20 tấn vàng trong tháng 5, thấp hơn một chút so với mức trung bình 27 tấn của 12 tháng qua. Vàng vẫn là trọng tâm chính trong thời gian tới khi có 95% các ngân hàng trung ương dự kiến tăng dự trữ vàng, tăng so với mức 81% ngân hàng dự kiến của năm ngoái; 43% ngân hàng trung ương cũng có kế hoạch tăng lượng vàng nắm giữ trong 12 tháng tới và đây là một con số kỷ lục.