Nghề nương vào nghiệp
Mặc dù nghề cạo “vàng trắng” cho thu nhập cả chục triệu/tháng nhưng không phải ngày nào thợ cũng có việc làm. Những khi thời tiết mưa bão, gió nhiều là thợ… thất nghiệp. Hàng năm cây có 3 tháng thay lá, lúc đó công việc cạo mủ cũng tạm dừng. “Một năm, chúng tôi làm nhiều nhất chỉ khoảng 165 ngày. Thời gian còn lại, anh em tìm việc khác làm thêm, hoặc tự tăng gia sản xuất tại gia đình để có thêm thu nhập và chờ vào mùa cạo mủ” - anh Đỗ Trung Hiếu (41 tuổi, 10 năm trong nghề) cho biết.
Ngoài công việc cạo mủ, anh Hiếu nuôi thêm bò, gà để tăng gia sản xuất
Ngôi nhà nhỏ của anh Hiếu nằm ở khu vực khá vắng vẻ tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Khi chúng tôi đến, anh đang cắt cỏ cho đàn bò nuôi sau nhà. “Sau thời gian cạo mủ cao su, lúc về đến nhà tôi nuôi thêm bò, gà để tăng gia sản xuất, có thêm thu nhập” - anh chia sẻ.
Nhấp ngụm trà, anh Hiếu kể, trước khi gắn với nghề cạo mủ cao su, anh là “thợ đụng” (đụng gì làm nấy). Sau khi biết nhiều bạn bè đến Tây Ninh cạo mủ thuê có thu nhập khá, anh cũng tò mò đi theo dù chẳng biết “ất giáp” gì về nghề này. “Tôi phải theo học nghề cả tháng mới biết cách “bắt cây cho mủ” ấy chứ. Làm được một thời gian, tôi rủ vợ cùng vào nghề. Có cái nghề ổn định, mừng lắm vì có thể nuôi các con ăn học” - nam công nhân không giấu được niềm vui khi nói về nghề.
Dọn bữa ăn đạm bạc với ít rau xào, thịt kho, gia đình bà Nguyễn Thuận Ánh Phương (64 tuổi, quê Vĩnh Long) tận hưởng hạnh phúc giản đơn giữa rừng cao su. Gắp miếng thịt cho cậu con trai út chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12, bà Phương cho hay: “Nhờ công việc này mà 2 con của tôi có tiền để theo đuổi ước mơ đại học, cao đẳng. Tận dụng đất còn trống, tôi trồng thêm bụi rau, nuôi thêm con gà tự cung tự cấp trong gia đình”.
Anh Nguyễn Quốc Sử (49 tuổi, quê Bạc Liêu) có gần 20 năm trong nghề kể, để có thể bám nghề, vào mùa rảnh rỗi, anh nhận đi giữ rừng, canh giữ phòng cháy, phụ hồ… “Cái nghề cạo mủ cao su này dù cực nhọc ra trò, nhưng đổi lại mình có thu nhập ổn định. Vợ chồng tôi và con cái sống được là nhờ làm nghề cạo mủ cao su ở đây. Cứ cạo đàng hoàng sống ngon lắm!” - anh hồ hởi nói.
Mới đây, anh Sử “suýt” bỏ nghề vì bị dao cạo mủ rớt trúng đùi. Chỉ vào vết sẹo dài, anh thở phào, nói: “May được anh em đồng nghiệp cầm máu kịp thời, nếu không thì… Dao này do tui tự mài, ngày nào cũng mài nên bén ngót. Sau tai nạn này, tui luôn dặn mình và anh chị em phải cẩn thận hơn”.
Nhiều công nhân nơi đây còn mua được đất, xây nhà, lập gia đình cũng nhờ nghề cạo mủ mà có.
Lo cho tương lai
Mặc dù niềm vui với nghề thể hiện rõ trong ánh mắt, lời nói của dân cạo mủ cao su nhưng họ vẫn canh cánh nỗi lo bị thất nghiệp. Hỏi ra mới biết, vườn cao su này có nguy cơ bị xóa sổ. Chỉ vào hai chén mủ cao su đầy ắp, chị Nguyễn Thị Liên (gia đình có 4 người làm nghề cạo mủ) trải lòng: “Nhiều cây còn cho mủ nhiều lắm, có thể khai thác hơn chục năm nữa nhưng tôi nghe nói chính quyền địa phương đang có ý định thu hồi lại vườn cao su này. Nếu điều đó xảy ra, tôi không biết phải sống ra sao nữa”.
Bữa cơm đạm bạc nhưng đầm ấm của gia đình bà Ánh Phương ngay trong rừng cao su
Chúng tôi tìm gặp bà Huỳnh Thị Lan Phương, chủ khu vườn cao su, được biết, năm 1993, Nông trường cao su Bời Lời (NTCSBL) ký hợp đồng kinh tế với bà có nội dung giao 50 ha đất tại ngã tư, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận (nay là Hưng Thuận) để trồng cao su với thời hạn giao là 50 năm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, UBND Thị xã Trảng Bàng lại cho rằng hợp đồng trên giữa NTCSBL và bà vô hiệu nên đã ra các văn bản buộc bà phải “thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND thị xã Trảng Bàng quản lý”. Trong khi đó, bà Lan Phương cho rằng hợp đồng giữa bà và NTCSBL hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Chính điều đó khiến bà bức xúc, còn những người công nhân cạo mủ cao su lo lắng vì sợ thất nghiệp.
Nghĩ về tương lai nếu không còn được làm ở vườn cao su này, anh Sử cho biết không biết sẽ làm gì để kiếm sống nhất khi tuổi đã cao, lại không có nghề nghiệp nào khác ngoài cạo mủ. “Nếu đất bị thu hồi thì chắc tui phải về quê làm ruộng thôi. Dù sống ở đây đã quen nhưng không còn cách nào khác” - anh Sử đưa ánh mắt nhìn xa xăm, nén tiếng thở dài nói.
Rớm nước mắt nghĩ về viễn cảnh phía trước, bà Ánh Phương không giấu được lo lắng nếu vợ chồng thất nghiệp khi đất cao su bị thu hồi. “11 năm gắn bó với vườn cao su, chính nó cứu lấy cuộc sống của vợ chồng tôi khi rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều khi ra vườn nhìn những giọt mủ cao su đang chảy, tôi cứ nghĩ nó là giọt nước mắt của chính mình. Buồn lắm!” - bà Phương nghẹn ngào.
Nói về nghề đã gắn bó từ thời còn con gái có nguy cơ ngừng lại, chị Trần Thị Thanh Thúy (ngụ Trảng Bàng) nói, không biết lấy gì nuôi các con còn nhỏ dại. “Mình lớn tuổi lại không có trình độ, đâu ai thuê mướn gì nữa…” - nữ công nhân bỏ lửng câu nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, LS Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Cty luật TNHH Luật Việt (TPHCM) cho rằng, quyết định thu hồi đất nông trường của UBND tỉnh Tây Ninh có một số điểm không có căn cứ pháp luật cơ bản. Cụ thể là nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. Bởi, trong quyết định ghi rõ nội dung “đối tượng bị thu hồi đất là NTCSBL”, không phải là bà Lan Phương.
Trong khi đó, bà Lan Phương là người được trực tiếp khai thác theo Hợp đồng giao khoán với nông trường và bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Cần phải khẳng định rõ, nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Lan Phương là đúng theo quy định pháp luật tại thời điểm đó. Bên cạnh đó, tuyên bố giao dịch vô hiệu là thẩm quyền của tòa án chứ không phải của UBND tỉnh Tây Ninh. Tính đến hiện tại, chưa có bản án nào của tòa án xác định các hợp đồng giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu nên chúng vẫn có giá trị pháp lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, LS Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Cty luật TNHH Luật Việt (TPHCM) cho rằng, quyết định thu hồi đất nông trường của UBND tỉnh Tây Ninh có một số điểm không có căn cứ pháp luật cơ bản. Cụ thể là nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. Bởi, trong quyết định ghi rõ nội dung “đối tượng bị thu hồi đất là NTCSBL”, không phải là bà Lan Phương. |