Trong những tháng gần đây, sau những ngày phải giãn cách vì Covid-19, mọi người tiếp tục đối diện với “bão giá” . Đối với những người trẻ, đặc biệt là Gen Z, đây có thể xem là lần đầu họ trải qua sự thay đổi giá nhanh chóng như vậy. Bất an đang là cảm giác chung của nhiều người, đặc biệt với giới trẻ khi vừa mới bước vào thị trường lao động.
Cách người trẻ vượt qua “bão giá” là gì? Cảm giác an toàn của họ trong thời điểm này đến từ đâu?
"Bão giá" ảnh hưởng như thế nào đến chi tiêu của giới trẻ?
Quỳnh Trang (22 tuổi), vừa mới ra trường và bắt đầu đi làm, phải tự trang trải và lo cho cuộc sống của mình, lại đúng lúc đối diện “bão giá” nên càng hoang mang hơn. Xăng tăng, kéo theo đó là các chi phí cũng tăng giá nên cô bạn 22 tuổi đã phải cắt một số chi tiêu.
“Những ngày tháng còn ăn học được gia đình phụ cấp cho. Bây giờ đi làm rồi thì phải tự mình bươn chải thôi, nhiều chi phí phát sinh khác như ăn vặt tại văn phòng, đi ăn uống cùng đồng nghiệp, mà mấy cái này theo số đông mình cũng không thể tránh được.”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Trong thời điểm này, cô bạn hạn chế ăn ngoài hàng quán hay mua quần áo cùng bạn bè, dù đây từng là hoạt động yêu thích của Quỳnh Trang. Ăn hàng quán thì tầm 2-3 lần/ tháng, còn mua quần áo có khi 1-2 tháng mới mua 1 lần. “Nếu tiêu xài như trước chắc đến giữa tháng mình ‘đói meo’ rồi”.
Quỳnh Trang
Mặt khác, Thanh Tâm (23 tuổi), hiện đang sống với gia đình nên cũng đỡ đần phần nào những chi tiêu trong cuộc sống chẳng hạn như nơi ở, ăn uống, điện nước. Song, điều đó không có nghĩa là cô bạn không “xi nhê” gì trước “bão giá”.
“Chi phí tăng cao, khiến cho khoản tiết kiệm của mình bị giảm đi bởi vì chi tiêu hàng tháng tăng lên. Nếu thời điểm khoảng 3-4 tháng trước, mỗi tháng mình chỉ bỏ ra khoảng 3-4 triệu cho những nhu cầu giải trí, đi lại, mua sắm thì mức chi giờ đã tăng thêm khoảng 50-60%”.
Bên cạnh đó, Mỹ Linh (23 tuổi) lại cảm thấy chưa đến mức căng thẳng trước bão giá. “Mình đang làm trong lĩnh vực có liên quan đến tài chính nên cũng có theo dõi biến động từ giá cả và chi phí. Dù vậy, mình vẫn thường tự thưởng cho bản thân ăn ngon, mua quần áo mới hoặc mỹ phẩm,... Song, chỉ trong mức chi tiêu cho phép. Để tránh việc tiêu quá lố thì mình tách riêng tài khoản tiết kiệm và tài khoản chi tiêu”.
Mỹ Linh
Vậy cảm giác an tài chính đến từ đâu?
Dù bị ảnh hưởng nhiều hay ít, việc cảm thấy khá hoang mang trong khi chi phí tăng cao là điều khó có thể tránh khỏi. Cảm giác mua sắm phải dè dặt hơn bởi vì nếu chi tiêu quá mạnh tay hay chỉ như trước cũng có thể không còn xu nào “dính túi”. Điều này khiến nhiều người rơi vào cảm giác thiếu an toàn tài chính hay thậm chí toàn bộ cuộc sống.
Để vượt qua những bất ổn này, khi nhìn thấy số tiền mình chi tiêu tăng hàng ngày, Thanh Tâm đã cố gắng để xây dựng 1 tường rào bảo vệ bản thân trước những biến cố khó lường. Cô bạn chia sẻ rằng, để cảm thấy “an toàn” hơn, cô bạn đã xây dựng nguồn thu nhập ổn định và cao hơn trước. Sau đó, giới hạn mức chi của bản thân thành các khoản khác nhau và cố gắng duy trì mức chi tiêu hàng tháng chỉ chênh từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
“Năm nay cũng là lúc mình nhận ra tầm quan trọng khi có 1 quỹ dành cho những trường hợp khẩn cấp. Mình tự tính mỗi tháng nên để ra bao nhiêu trong khoản đó để có thể chi trả cho 1 tương lai có thể biến động hơn. Khi nhìn số dư trong tài khoản đó, mình cảm thấy an tâm hơn rất nhiều”.
Thanh Tâm
Với Quỳnh Trang, cũng giống như Thanh Tâm, cảm giác an toàn đó đến từ khoản tiền tích cóp đủ để chống chọi trong một thời gian bất ổn. “Ngoài ra, nếu bạn nào mới ra trường mà có gia đình tại thành phố thì cũng đỡ mấy khoản như tiền phòng, tiền ăn”.
Mỹ Linh lại cho rằng cảm giác an toàn đến từ việc bản thân quản lý thu nhập của mình như thế nào. “Ngoài việc thu nhập từ lương, có một nguồn thu nhập thụ động từ kinh doanh, đầu tư hay tiết kiệm cũng là một cách hay qua bão giá. Theo kinh nghiệm cá nhân thì mình thấy chia thu nhập ra làm các quỹ là một cách khá hiệu quả để quản lý chi tiêu. Khi bản thân kiểm soát được dòng tiền ra, như vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều”.
Ảnh:NVCC