Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta. Tiến trình đó đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cho thấy những thành quả bước đầu trong chuyển đổi số rất đáng trân trọng của Ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng của VNPAY.
Trong khuôn khổ của sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dành thời gian tham quan triển lãm các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Tại gian hàng của VNPAY, Thủ tướng trải nghiệm các giải pháp thanh toán không tiền mặt đồng thời động viên, đánh giá cao những nỗ lực của VNPAY trong việc hỗ trợ ngân hàng chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thanh toán toàn diện. Qua đó, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn VNPAY sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới để thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ cập với người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Về phía đại diện VNPAY, ông Nguyễn Tuấn Lương – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPAY đã vinh dự được tiếp đón Thủ tướng và giới thiệu hệ sinh thái thanh toán do VNPAY phát triển.
Ông Lương cho biết VNPAY đã đầu tư nghiên cứu, tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới đáp ứng các nhu cầu, định hướng khác nhau của các ngân hàng; đồng hành với ngân hàng trong suốt quá trình hợp tác, và liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.
Hệ sinh thái thanh toán trên ứng dụng Agribank-E Mobile Banking.
Hiện tại VNPAY đang hợp tác với hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam tiêu biểu như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank... để phát triển ứng dụng ngân hàng với hệ sinh thái toàn diện giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch từ quản lý tài khoản, chuyển tiền 24/7, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn điện nước, internet, truyền hình… cho đến đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tàu, xe, tàu, hoa, bóng đá, golf, vé xem phim, mua sắm trực tuyến VnShop....
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng đã khẳng định, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ của cá nhân được số hóa…
VNPAY cũng được biết đến là đơn vị sở hữu mạng lưới thanh toán VNPAY-QR hàng đầu Việt Nam với hơn 200.000 điểm chấp nhận và xuất hiện trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau từ nhà hàng, café, siêu thị, y tế, giáo dục, giao thông… giúp người dân dễ dàng tiếp cận.
Đặc biệt, gần đây VNPAY gây ấn tượng trên thị trường ví điện tử với ví VNPAY -Ví dành cho gia đình - lần đầu xuất hiện tại Việt Nam cho phép người dùng từ Ví VNPAY mở các Ví gia đình, cấp hạn mức, quản lý chi tiêu và cùng sử dụng các tiện ích trong hệ sinh thái VNPAY với người thân. Ví gia đình cũng sở hữu một hệ sinh thái thanh toán đa dạng đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng.
Với mục tiêu đơn giản hóa các nhu cầu giao dịch hàng ngày, hệ sinh thái thanh toán của VNPAY giúp người dùng trải nghiệm các dịch vụ tài chính một cách thân thiện, nhanh chóng, an toàn, nhờ đó phát huy tối đa hiệu quả trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của nhiều người dùng.