Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 8 của Chứng khoán VNDirect, VN-Index đảo chiều phục hồi sau khi đóng cửa mức thấp nhất là 1.149,6 điểm trong phiên ngày 6/7, và chốt tháng 7 tại mức 1.206,3 điểm, tăng 0,7% so với đầu tháng, tuy nhiên vẫn giảm tới 19,5% so với đầu năm.
Đáng nói, đóng góp lớn nhất cho đà tăng của chỉ số không phải là các bluechips quen mặt đến từ nhóm bank, chứng, thép, bất động sản mà là một đại diện đến từ ngành hàng tiêu dùng nhanh. Cụ thể, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã tăng 7% so với thời điểm cuối tháng 6 và là động lực lớn nhất cho đà phục hồi của VN-Index trong tháng 7 vừa qua.
Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường ghi nhận cổ phiếu SAB chứng kiến đà tăng mạnh từ khoảng 150.000 đồng/cp lên 189.900 đồng/cp.
Quan sát giao dịch cho thấy cổ phiếu của Sabeco đang giao dịch trong vùng đỉnh cao nhất kể từ cuối tháng 3/2021. Trong nhịp sóng lần này, cổ phiếu SAB tăng từ hơn 150.000 đồng/cp phiên 18/7 lên mức đỉnh như hiện tại.
Không chỉ ghi nhận tăng trưởng về giá cổ phiếu, Sabeco vừa có một quý kinh doanh thuận lợi với mức lãi quý II lập kỷ lục mới. Doanh nghiệp vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần 9.008 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng lên 34% so với 31% cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sabeco, việc mở cửa trở lại du lịch trong nước cũng như quốc tế sau thời kỳ dịch COVID-19 đã giúp doanh thu và lợi nhuận được cải thiện. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, giúp Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.973 tỷ đồng, tăng 67% so với quý II/2021.
Đây là mức lãi kỷ lục trong một quý của Sabeco từ trước đến nay. Con số này vượt xa mức lãi 1.530 tỷ đồng đạt được trong quý II/2019, trước khi đại dịch diễn ra.
Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 16.315 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của ông Phan Linh, Nhà sáng lập nền tảng Take Profit, đây là dấu hiệu tích cực cho ngành bia nói riêng và ngành FMCG (nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh) nói chung.
Tư duy lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này bao gồm các tiêu chí như chi phí đầu vào đang có xu hướng giảm, đầu ra có thể tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi sau COVID-19, và những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành FMCG như Sabeco hay Vinamilk đều đáp ứng được các tiêu chí trên.
Theo chuyên gia, văn hoá nhậu ở Việt Nam được lan toả rộng rãi giúp cho sản lượng bia tăng đột biến sau mức nền thấp được ghi nhận ở thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào (nguyên liệu bia) giảm chung so với giá cả hàng hóa thế giới trong khi giá bán vẫn có thể tăng để bù đắp lạm phát sẽ thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng.
Nói về Vinamilk, ông Linh thừa nhận rằng rõ ràng Vinamilk không còn là doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh so sánh với thời gian trước do thị phần sữa của doanh nghiệp đã chiếm tới 60% toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng của Vinamilk duy trì trong khoảng 5%/năm về doanh thu và lợi nhuận.
Thế nhưng nhìn về mặt tích cực, Vinamilk cũng hoàn toàn có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn bởi giá sữa bột nguyên kem đang có xu hướng giảm giúp cho biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.
Hơn nữa, Vinamilk là doanh nghiệp có sức mạnh quyết định giá bán, nghĩa là họ hoàn toàn có thể tăng giá bán mà không ảnh hưởng quá nhiều đến sức cầu. Việc giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, đầu ra luôn được đảm bảo cộng với khả năng người Việt sử dụng sữa nhiều hơn trong tương lai giúp cho cổ phiếu Vinamilk là lựa chọn tương đối an toàn dành cho các nhà đầu tư.