Nhắc đến Trung Quốc, chúng ta không thể nào không nhắc đến Vạn Lý Trường Thành, kỳ quan kiến trúc hàng đầu thế giới và là nơi được coi là biểu tượng quốc gia trong lòng người dân Trung Quốc. Vạn Lý Trường Thành đã được xây dựng hơn 2000 năm trước. Vậy bạn có biết tại sao Vạn Lý Trường Thành lại sừng sững tồn tại qua hàng nghìn năm?
Là một trong mười kỳ quan kiến trúc hàng đầu thế giới, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN cho tới thế kỷ 16. Trong đó nổi tiếng nhất phần tường do vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng.
Vạn Lý Trường Thành được xây dựng với mục đích là để ngăn chặn sự xâm lược của các bộ lạc du mục từ phía Bắc như người Hung Nô, Mông Cổ…., bảo vệ cuộc sống yên ổn của người dân. Trong suốt nhiều thế kỷ, Vạn Lý Trường Thành liên tục được bồi đắp và Xây dựng. Quá trình xây dựng này chỉ kết thúc vào triều Minh vào thế kỉ 16 và 17.
Tuy đã tồn tại được cả nghìn năm nhưng, trải qua hàng trăm hàng nghìn các cuộc chiến tranh thảm khốc, nhưng cho tới nay Vạn Lý Trường Thành vẫn kiên cố, hiên ngang sừng sững ở nơi đó, giường như không có dấu hiệu của sự sụp đổ. Vậy bạn có biết làm thế nào mà Vạn lý Trường Thành dù đã qua hàng nghìn năm vẫn không sụp đổ không?
Theo các nhà sử học, nguyên nhân chính khiến Vạn Lý Trường Thành có thể đứng vững hàng nghìn năm là do khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nhà Tần đã sử dụng một loại vật liệu xây dựng vô cùng độc đáo và quý giá. Đó chính là vữa gạo nếp.
Và loại vữa này cũng được nhà khoa học Trung Quốc Trương Băng Khiêm công nhận là một trong những phát minh kỹ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử, nó bền và chịu nước tốt hơn so với loại vữa bằng vôi nguyên chất.
Chất kết dính của Vạn Lý Trường Thành không phải là bùn hay đất sét thông thường mà được làm từ bột gạo nếp, tức là dùng bột gạo nếp với vữa thông thường để tạo ra loại “vữa gạo nếp” siêu bền.
Đây được coi là loại vữa đầu tiên trên thế giới được trộn từ các nguyên liệu hữu cơ và vô cơ. Trong gạo nếp có một thành phần gọi là “amylopectin”, đó là polysaccharide carbohydrate, chính chất này đã làm tăng độ bền nén của “vữa gạo nếp” lên 30 lần và độ cứng bề mặt gấp 2,5 lần so với vữa vôi nguyên chất và đặc biệt không bị ngấm nước.
Loại vữa này còn được sử dụng để xây dựng một số cổ mộ, chùa… Nó chắc chắn đến mức những chiếc máy xúc hiện đại cũng gặp phải khó khăn trong việc dỡ bỏ.
Tuy nhiên, điều đáng để nhắc đến ở đây chính là vào thời điểm đó, dân thường thậm chí còn không thể ăn nổi một miếng đồ ăn nóng. Nhưng để xây dựng Vạn Lý Trường Thành dài cả nghìn dặm, Tần Thủy Hoàng không chỉ sử dụng hàng triệu nhân lực, mà còn sử dụng gạo, loại thực phẩm quý giá để làm chất kết dính. Thêm nữa, theo ghi chép cho biết, nếu ai lấy trộm bột gạo nếp thì sẽ bị xử lý ngay tại chỗ, không được khoan hồng.
Ngoài “vữa gạo nếp”, còn có một nhân tố khác cũng đã góp phần làm nên Vạn Lý Trường Thành ngàn năm không đổ, đó chính là gạch. Gạch để xây thành luôn là gạch có chất lượng tốt nhất. Mỗi viên gạch được tạo ra nặng 15 kg và mỗi viên đều được kiểm định về chất lượng.
Người giám sát kiểm tra chất lượng gạch bằng cách dùng một viên gạch khác đập lên viên gạch mới làm, nếu viên gạch ở dưới bị vỡ tức là không đạt tiêu chuẩn, và người làm ra viên gạch đó cũng bị phạt. Đó chính là lý do tại sao dù đã nhiều năm nhưng những viên gạch ở Vạn Lý Trường Thành vẫn còn nguyên vẹn, ít có vết nứt do phong hóa.
Mặc dù việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành còn rất nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng công trình quân sự vĩ đại này đã thực sự thành công chống lại sự xâm lược của các bộ lạc du mục phía Bắc và đóng vai trò chính trong việc phòng thủ quân sự thời cổ đại ở Trung Quốc.
Ngày nay, với sự tiến bộ của thời đại, công nghệ xây dựng ngày càng tinh vi, nên để tránh xa hoa, lãng phí, con người không còn sử dụng ngũ cốc để xây dựng các công trình nữa, mà thay vào đó con người đã chế tạo ra những vật liệu không những rẻ mà còn vô cùng chắc bền.
Theo Sohu