"Bỏ phố về quê" không phải là xu hướng mới, nhưng chưa bao giờ lại rõ đến thế tại Nga. Người dân tại quốc gia này cho rằng việc từ bỏ tiện nghi nơi phố thị không phải một bước lùi, mà là cách để nâng tầm cuộc sống.
Sức quyến rũ khó chối từ của thiên nhiên
Anna Panikhina từng là nhân viên văn phòng, sống cùng chồng và hai con ở ngoại ô Moscow. Một sáng nọ, cả gia đình quyết định đi nghỉ dưỡng cuối tuần tại Pereslavl-Zalessky - một thị trấn nhỏ cách thủ đô 133km.
Tuy nhiên, họ không biết mình sẽ ở lại đây tới tận 5 năm sau đó.
Xưởng mộc của vợ chồng Anna Panikhina (Ảnh: @art_masterskaya)
"Khi ấy, chúng tôi đang đi thăm bạn bè. Con lớn của chúng tôi mới 4 tuổi, còn đứa nhỏ nhất cũng chỉ 9 tháng", cô nhớ lại.
"Chúng tôi yêu nơi này nên đã mua một ngôi nhà để tới nghỉ ngơi vào mỗi Chủ nhật. Ai ngờ cả nhà lại ở thêm 1 tháng, rồi 2 tháng,... Cuối cùng, chúng tôi đã chuyển hẳn về sống tại đây".
Anna cho biết, đây là lựa chọn hoàn toàn tình cờ. Gia đình cô bị thu hút bởi lối kiến trúc mộc mạc và hồ Plescheyevo cổ xưa gần đó. Đây là điểm tham quan nổi tiếng trong khu vực, bởi truyền thuyết nói rằng hồ nước đã 30.000 năm tuổi và có thể giúp ước nguyện của mọi người thành hiện thực.
Chuyển về nông thôn sinh sống, Andrey - chồng của Anna - phải tìm một công việc mới. Vốn sẵn kinh nghiệm trong nghề mộc, lại hay được hàng xóm nhờ vả làm giường tủ, anh quyết định mở xưởng và nhận đơn đặt hàng trên khắp cả nước.
Ngôi nhà riêng mà hai vợ chồng mới xây ở Pereslavl-Zalessky (Ảnh: @art_masterskaya)
Anna thừa nhận, thu nhập từ công việc này chỉ đủ để nuôi cả gia đình và thuê mặt bằng. Ngay cả căn nhà họ đang ở cũng là nhờ vay tiền mới mua được.
Tuy nhiên, cuộc sống thắt lưng buộc bụng ở thôn quê không làm hai vợ chồng cảm thấy khó khăn. Andrey vẫn nhận đơn đặt hàng đều đặn và còn thuê được xưởng cách nhà không xa.
"Điều duy nhất chúng tôi nhớ là sự hiện diện và giúp đỡ của cha mẹ. Họ không thích ra khỏi nhà nên chúng tôi rất ít khi gặp gỡ", bà mẹ hai con cho biết. "Thỉnh thoảng bạn bè cũng ghé qua chơi vào dịp cuối tuần. Những cuộc trò chuyện trở nên lâu hơn và thú vị hơn, không còn lác đác như trước".
Gia đình Panikhina vô cùng ngạc nhiên khi biết thị trấn bé nhỏ này có cơ sở vật chất tuyệt vời dành cho trẻ em, cũng như đội ngũ giáo viên chất lượng tại trường học. Đó là nhờ những người trẻ dũng cảm, sáng tạo đã "bỏ phố về quê" trước họ và xây dựng cộng đồng dân cư lý tưởng tại đây.
"Tôi kết bạn với người này, rồi người này lại dẫn người kia tới. Dần dần, nhóm đã lên tới 20 người. Chúng tôi thường đi ăn sáng cùng nhau vào mỗi thứ Sáu để chia sẻ kinh nghiệm sống và làm việc", Anna kể.
Họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau: giáo viên dạy yoga, chuyên viên giáo dục, thư pháp gia, thợ may, thợ mài... Đa số đều từng sống ở thành phố, nhưng quyết định về nông thôn để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Họ mở xưởng làm việc tại Pereslavl, vừa để kiếm sống, vừa giúp thay đổi bộ mặt của thị trấn này.
(Ảnh: @art_masterskaya)
Hiện tại, gia đình Anna và những người bạn của họ chưa có dự định quay về sống ở thành phố. Thỉnh thoảng, vợ chồng cô sẽ lên Moscow đi chơi và dạo phố, nhưng sẽ về quê ngay ngày hôm sau.
"Ở nông thôn không có những tấm biển quảng cáo neon sáng rực rỡ, cũng như các trung tâm thương mại nhộn nhịp. Tuy nhiên, bạn có thể đi chân trần trên bãi cỏ, uống nước sạch, ăn rau và thịt do chính tay mình nuôi trồng", cô nói. "Chúng tôi cảm thấy ổn hơn khi sống ở đây."
Cuộc sống bình yên bất chấp những khó khăn về tiện nghi
Marina và Aleksandr Dragun đã ở bên nhau suốt 19 năm. Trước đây, họ sống ở thành phố Mariupol và làm chủ một cửa hàng điện tử. Năm 2014, vì hoàn cảnh bắt buộc, họ phải chuyển đến sống cùng họ hàng tại thành phố St. Petersburg. Họ chỉ trụ lại đây được đúng 3 năm.
"Nắng không có, thời tiết lại lạnh. Chúng tôi cảm thấy khó khăn về mặt tinh thần khi phải sống chung trong căn hộ chỉ có một phòng", Marina nhớ lại.
Chú gà mà gia đình Dragun nuôi (Ảnh: @derevnua_horosheevo)
Lúc này, đôi vợ chồng mới nhớ ra ngôi nhà mà ông bà để lại ở Kursk - vùng quê cách St. Petersburg khoảng 1.500km. Họ bán toàn bộ tài sản ở Mariupol rồi dọn về quê sống.
Căn nhà khá cũ, có đường ống dẫn ga nhưng thiếu đường ống dẫn nước. Suốt nửa năm đầu tiên sống ở đây, cả gia đình phải chứa nước trong xô, giặt quần áo ở bồn rửa đặt ở góc bếp.
(Ảnh: @derevnua_horosheevo)
Dần dần, cuộc sống cũng đi vào ổn định. Gia đình Dragun cải tạo ngôi nhà, xây lại phòng tắm, lắp đặt toilet và đường nước. Sẵn có mảnh vườn rộng hơn 4.000m2, họ trồng rau và nuôi thêm vài con gà.
"Gà mái nhà hàng xóm thường qua chơi với gà trống nhà chúng tôi. Nó chỉ trở về vào ban đêm. Cuối cùng, hàng xóm cho chúng tôi luôn con gà mái. Tình yêu mà!", Marina vui vẻ kể.
(Ảnh: @derevnua_horosheevo)
Vợ chồng cô không có kinh nghiệm nuôi gia cầm, nhưng lại nhận được khá nhiều lời khuyên có ích từ hàng xóm. Họ trở thành những nông dân không chuyên, tập tành nhân giống vịt, rồi mua thêm cừu và dê sau đó khoảng 1,5 năm.
Gia đình Dragun thường xuyên cập nhật về cuộc sống tự do tự tại của mình trên trang blog riêng. Nhiều người bày tỏ sự thích thú với lối sống này, tò mò không biết đôi vợ chồng thành phố sẽ xoay sở ra sao ở nông thôn. Trang blog nhanh chóng trở nên nổi tiếng, giúp họ thu về không ít tiền quảng cáo.
Khorosheevo - ngôi làng mà Marina và chồng đang ở - có diện tích khá lớn và đông dân cư. Nơi này cách bến xe buýt trung tâm quận khoảng 12km, cách thành phố lớn gần nhất thêm 70km nữa. Cứ mỗi 1-2 tuần, cặp đôi sẽ lên thành phố để thay đổi không khí, đi xem phim và tận hưởng những thú vui khác.
(Nguồn: RBTH)