Doanh nghiệp

Vai trò của nhân sự trong chiến lược ESG hiệu quả

ESG là cụm viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của 3 từ tiếng Anh: Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG gần đây đã trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp trên phạm vi toàn thế giới. Theo một báo cáo của Công ty tư vấn tiếp thị và quan hệ công chúng Edelman (có trụ sở tại Mỹ), 88% các nhà đầu tư tin rằng các doanh nghiệp quan tâm đến ESG sẽ đạt được lợi nhuận về mặt dài hạn cao hơn so với các công ty không chú trọng yếu tố này.

Những biến động từ thị trường như sự thu hẹp quy mô sản xuất của doanh nghiệp năm 2022 cùng tỷ lệ tăng trưởng giảm sút trong năm 2023 (1/3 nền kinh tế thế giới suy thoái trong năm 2023, theo dự báo của bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đã góp phần đưa tiêu chuẩn bền vững trở thành "nền móng" hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững trước mọi biến động.

"ESG là một khái niệm lớn bao trùm các chính sách của doanh nghiệp, nhưng các hoạt động nhỏ có thể 'góp gió thành bão' để tạo nên một chiến lược ESG hiệu quả. Lúc này, vai trò định hướng của nhân sự (HR) là vô cùng quan trọng khi nắm rõ tinh thần của ESG để phân bổ cho các chiến lược nhân sự phù hợp", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet cho biết. Bà cũng gợi ý 3 giải pháp cho bộ phận HR nhằm mang lại thành công cho chiến lược ESG của doanh nghiệp.

Những lợi ích tiêu biểu mà chỉ số bền vững ESG mang lại cho doanh nghiệp. Đồ họa: Talentnet

Những lợi ích tiêu biểu mà chỉ số bền vững ESG mang lại cho doanh nghiệp. Đồ họa: Talentnet

Kiến tạo cảm giác "thuộc về"

Theo nữ chuyên gia nhân sự, yếu tố môi trường trong bộ chỉ số ESG không chỉ là giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường sống xung quanh, mà còn là xây dựng chính môi trường làm việc tại doanh nghiệp. HR có thể xây dựng môi trường làm việc thân thiện, gắn kết bằng việc kiến tạo "cảm giác thuộc về" - chính là chữ B (Belonging) trong mô hình DEI-B rất được ưa chuộng hiện nay.

Ví dụ, giao tiếp cởi mở là một cách xây dựng môi trường làm việc giúp nhân viên cảm thấy an toàn, được chấp nhận và được hỗ trợ. Doanh nghiệp có thể tạo diễn đàn ẩn danh để nhân viên thoải mái chia sẻ về các vấn đề của họ và chủ động đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề. Những ý kiến được doanh nghiệp lắng nghe sẽ giúp người lao động cảm thấy được ghi nhận và có tiếng nói, từ đó gia tăng sự gắn kết trong môi trường công sở.

Cá nhân hóa phúc lợi

Yếu tố "Social" đòi hỏi sự quan tâm của doanh nghiệp đến sức khỏe toàn diện trong thân - tâm - trí của nhân viên. Điều này đòi hỏi HR cần xây dựng những chính sách "đời" hơn, nghĩa là bao hàm nhiều khía cạnh đời sống hơn như gia đình, sở thích, tình yêu... thay vì chỉ tập trung cho những phúc lợi liên quan đến công việc.

Để có thể đáp ứng đúng mong muốn, kỳ vọng của người lao động, bà Thanh Hương gợi ý bộ phận HR có thể áp dụng xu hướng "cá nhân hóa phúc lợi". Thay vì chỉ một chương trình phúc lợi áp dụng cho toàn bộ nhóm nhân viên, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để mang đến đa dạng phúc lợi hơn, từ đó cho phép nhân viên tự do lựa chọn phúc lợi phù hợp với nhu cầu của họ.

Bà Hương lấy dẫn chứng ứng dụng tích điểm Smile của Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Việt Nam giúp nhân viên gửi lời cảm ơn đến đồng nghiệp nhanh chóng, đồng thời có thể đổi điểm thưởng để sử dụng các dịch vụ khác nhau như mua sắm, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, xem phim... cho bản thân hay gia đình. Ứng dụng Smile đã trở thành một trong những điểm sáng đóng góp vào chiến thắng của Pepsico Foods tại Giải thưởng Vietnam HR Awards 2022.

Môi trường làm việc cởi mở giúp nhân viên cảm thấy an toàn và gắn kết với doanh nghiệp. Ảnh: Freepik

Môi trường làm việc cởi mở giúp nhân viên cảm thấy an toàn và gắn kết với doanh nghiệp. Ảnh: Freepik

Trả lương minh bạch

"Đạo đức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp trong chữ G (Governance) thoạt nghe có vẻ 'đao to búa lớn', nhưng HR có thể bắt đầu bằng cách tạo ra các chính sách giúp người lao động cảm thấy công bằng, minh bạch, đơn cử như trong việc chi trả lương - thưởng", bà Hương chia sẻ.

Theo vị chuyên gia, doanh nghiệp nên xây dựng và công khai quy chế trả lương, thưởng rõ ràng, gồm lương cố định cùng các khoản khác như trợ cấp, thưởng hiệu quả kinh doanh, hỗ trợ... cho mỗi vị trí công việc. Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang sử dụng các báo cáo lương uy tín như báo cáo lương Talentnet-Mercer để tham khảo bức tranh chi trả lương trên thị trường, từ đó giúp xây dựng chế độ lương công bằng và mang tính cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống chi trả lương, hay dịch vụ tính lương thuê ngoài cũng giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch trong việc trả lương, hạn chế sai sót hay chậm trễ trong tính toán và chi trả lương, giúp đảm bảo yếu tố quản trị đạo đức của doanh nghiệp.

"Đứng trước những thách thức từ biến động của ngoại lực, yếu tố nội lực sẽ tạo nên sức bật giúp doanh nghiệp vượt qua 'cơn sóng' an toàn. Trước tình hình đó, ESG không những là bộ đo tiêu chuẩn bền vững để các lãnh đạo có thể tham khảo, mà còn là một cách giúp HR nói chung và doanh nghiệp nói riêng tự tin tiến bước trong năm 2023", bà Hương nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm