Đó là chia sẻ của anh Huy, trú tại Long Biên (Hà Nội) khi đứng xếp hàng giao dịch mua bán vàng tại một cửa hàng trên phố vàng Trần Nhân Tông (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Anh Huy cho biết, thấy giá vàng tăng mạnh, nhiều người nói sẽ còn lên đến 90 triệu đồng/lượng nên anh rút hết tiền tiết kiệm ra để mua vàng.
Hàng dài người xếp hàng mua bán vàng trong buổi chiều ngày 26/12/2023.
Càng về chiều, lượng khách đến mua bán vàng ngày càng đông.
Khách đứng chật kín cửa hàng vàng chờ giao dịch.
“Buổi sáng, hai vợ chồng ra ngân hàng rút tiền, giá vàng miếng SJC vẫn chỉ ở mức 78,9 triệu đồng/lượng. Đi lên phố vàng, xếp hàng chờ, đến lượt giao dịch thì giá đã lên mức 80,3 triệu đồng/lượng.
Giao tiền cho nhân viên thu ngân để mua vàng nhưng cửa hàng báo hết vàng miếng, hẹn ngày 27 mới có. Tôi cầm giấy biên nhận về nhà thì buổi chiều, vàng SJC đã tụt xuống 79,7 triệu đồng/lượng, sau đó chỉ còn 79,2 triệu đồng”, anh Huy nói.
Một người vác cả bao tải tiền tiến vào cửa hàng vàng và đứng chờ.
Hàng tỷ đồng tiền mặt được mang ra từ chiếc bao lớn đưa cho thu ngân.
Theo anh Huy, nhanh chậm chỉ tính bằng phút nhưng giá vàng lên xuống cả triệu đồng. Mỗi lượng vàng anh vừa mua, chưa được cầm trong tay đã lỗ ngay 1,1 triệu đồng/lượng.
Chưa kể, nếu bán ngay chỉ trong vài tiếng, giá tiệm vàng mua vào chỉ 77,4 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào và bán ra gần 2 triệu đồng đã khiến anh Huy lỗ hơn chục triệu đồng chỉ trong chớp mắt. Tuy nhiên, muốn bán cũng chưa có vàng để bán, mặc dù tiền đã đưa đủ cho “nhà vàng” nhưng 2 ngày sau anh Huy mới nhận được vàng.
Cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp tại cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông vào chiều ngày 26/12/2023.
Đến trước cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông, ngó nghiêng cả nửa tiếng rồi mới ngồi xếp hàng nhưng đến lúc nhận tờ phiếu hẹn hôm sau đến lấy vàng, bà Hương, trú tại Đống Đa (Hà Nội) vẫn chưa hết “choáng”.
Theo bà Hương, hai vợ chồng bà mới bán căn hộ tập thể ở Đống Đa được 1,8 tỷ đồng. Mang 1 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm, số còn lại bà đi mua 10 lượng vàng để “giữ nhà”.
“Tôi mua để giữ nhà nên lúc đi mua không suy nghĩ nhiều đến giá cả. Nhưng mà mình làm phiếu mua lúc giá vàng 80,01 triệu đồng/lượng, trả tiền xong xuôi, đứng chờ nhân viên viết giấy hẹn ngày đến lấy vàng thôi mà giá đã tụt xuống cả triệu đồng/lượng. Giá vàng xuống nhanh quá cũng khiến mình lo, nhỡ mai kia nó giảm nữa thì tiếc tiền lắm”, bà Hương nói.
Giá vàng lên vượt mốc 80 triệu đồng/lượng khiến lượng khách tăng đột biến.
Chỉ trong một buổi sáng ngày 26/12/2023, giá vàng SJC đã được các doanh nghiệp điều chỉnh đến 8 lần theo chiều hướng tăng, tăng tới 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tuy nhiên, đến buổi chiều, giá vàng miếng SJC bất ngờ đảo chiều giảm mạnh. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, giá vàng miếng giảm tới 2,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC đang được các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết ở mức 77,2-79,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch giữa mua và bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Tại cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đông kín khách.
Hàng chục người ngồi chờ giao dịch.
Lưu ý tới các nhà đầu tư, ông Đinh Tùng Lâm – Viện thực hành đầu tư tài chính Da Vinci cho rằng, giá vàng trên thị trường trong nước đang hoàn toàn thả nổi chứ không theo một quy định chung nào.
“Chính vì vậy, có thời điểm chỉ trong 1 buổi sáng nhưng giá vàng được các đơn vị kinh doanh vàng điều chỉnh đến 9 lần, chênh lệch mua bán được nới rộng lên đến 2 triệu đồng/lượng”, ông Lâm nói.
Đối với thị trường kinh doanh vàng tại Việt Nam thì nhà đầu tư phải chịu rủi ro quá lớn. Trong trường hợp giá vàng tăng hay giảm mạnh thì các đơn vị kinh doanh vàng hoàn toàn có thể điều chỉnh theo giá họ, vì vậy rủi ro lớn thuộc về nhà đầu tư.
“Khi nhu cầu mua quá lớn sẽ đẩy giá vàng bán ra tăng cao lên và nhu cầu bán của người dân cao thì đẩy giá mua vào hạ xuống. Vì vậy, khi đầu tư phải có kiến thức và nghiên cứu thật kỹ chu kỳ và biên độ đầu tư lâu dài mới có lợi, nếu đầu tư theo kiểu chộp giật thì nhà đầu tư tự ôm rủi ro về mình”, ông Lâm nhận định.