Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản tại Đồng Nai gửi đơn kêu cứu

Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, mới đây tập thể các công ty đầu tư dự án bất động sản tại Đồng Nai đã có đơn đề nghị cứu xét khẩn cấp gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh mong sớm xem xét, quyết định cho các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án và có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai, theo Báo Đồng Nai.

Trong đơn, tập thể nhà đầu tư cho biết đang đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp tuân thủ theo hướng dẫn của các sở, ban, ngành về thủ tục pháp lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng quy định của pháp luật để sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động như đã cam kết với tỉnh và các cổ đông góp vốn.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, các dự án đều bị thông báo tạm ngưng với lý do chờ giải trình một số vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Vì lý do này, nhiều dự án bị chậm tiến độ, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư cho biết thêm, trong ba năm qua, thị trường bất động sản chịu tác động lớn bởi dịch bệnh. Hiện nay, doanh nghiệp đã và đang cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành dự án nhưng vẫn bị tạm ngừng thực hiện để chờ kết quả xem xét và quyết định của các sở, ngành. Điều này đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, phải cắt giảm nhân sự, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, rơi vào tình trạng nợ xấu.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét và sớm có kết quả thống nhất với Kiểm toán Nhà nước; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai cho các dự án đang thực hiện, tạo điều kiện chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng quy định, thoát khỏi bờ vực phá sản.

Trước đó, theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, hiện có 181 dự án bất động sản (chủ yếu nhà ở) được thực hiện theo hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất đang được rà soát, phân loại để tháo gỡ vướng mắc. Đây là những dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn tháng 7/2014 đến năm 2021.

Cũng theo báo cáo, do pháp luật đất đai trước đây không quy định cụ thể, nhiều dự án khu dân cư nhà đầu tư đã ứng tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị giao đất.

Sau khi được giao đất, UBND tỉnh tổ chức xác định giá đất cụ thể làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. Tuy nhiên, các kết luận của Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng, sau khi nhà đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì khu đất đó là đất sạch và việc giao đất phải thực hiện theo cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ các quan điểm áp dụng quy định pháp luật đất đai khác nhau nên nhiều dự án khu dân cư hiện tại không thể thực hiện các thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư và xây dựng.

Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, phân loại, chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất hướng tháo gỡ. Nếu thực hiện tốt công tác này, hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh sẽ được tháo gỡ, thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm