Giá USD hôm qua hạ nhiệt nhưng vẫn quanh mức 25.350-25.590 đồng. Trong đó, giá USD ngân hàng đã tăng 1,9% và USD tự do lên hơn 3,8%. Còn so với tháng 8 năm ngoái, tỷ giá tăng 8%. Trong ngày 11/3, đồng bạc xanh có lúc lập kỷ lục 25.700 đồng.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu đang được hưởng lợi từ giá USD tăng cao. Bởi, khi bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, họ sẽ thu được nhiều hơn.
CEO Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết chênh lệch giá USD giúp doanh nghiệp có thêm các nguồn để bù đắp lỗ lúc giá USD giảm và một phần chi phí vận chuyển tăng cao từ các thị trường Mỹ, Canada, EU, Anh.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi. Nhiều công ty có hoạt động nhập khẩu lại "đứng ngồi không yên". Giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở TP HCM tính toán mỗi đơn hàng 100.000 USD trả cho đối tác, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm 70-100 triệu đồng.
Chưa kể, ông lo ngại, giá USD liên tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao. "Người dân sẽ thắt chặt chi tiêu khiến sức mua trên thị trường giảm, doanh nghiệp sẽ càng kiệt quệ", vị này nói.
Áp lực càng lớn với những doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Như ngành điều, hạt điều thô là nguyên liệu được nhập khẩu về để chế biến, đa phần thanh toán bằng USD. "Do đó, tỷ giá tăng đã tác động lên chi phí giá thành sản phẩm", ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết.
Theo ông Trần Hữu Hậu, khi nhập hàng về, doanh nghiệp chỉ mất 5-7 ngày đưa vào chế biến và xuất khẩu nên khi thu lại bằng USD doanh nghiệp cũng bớt gánh nặng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đơn hàng xuất khẩu ngay sau đó. Do đó, họ sẽ phải tính toán lại giá sản phẩm bán cho phù hợp mới có lợi nhuận.
Tương tự, doanh nghiệp ngành thép chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào là quặng sắt, thép phế liệu, hay than mỡ luyện cốc. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo doanh nghiệp ngành này sẽ càng thêm khó khăn trong bối cảnh nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu suy giảm.
Chung lo ngại, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết doanh nghiệp này xuất khẩu tới hơn 10 thị trường, như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga. Dù có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 4 năm nay nhưng những biến động tỷ giá gần đây có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
"Bình thường, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá trị hàng xuất khẩu. Nhưng mặt trái là đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, cũng như lãi lỗ từ chênh lệch tỷ giá ", ông Việt quan ngại.
Phân tích cụ thể hơn, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết vừa nhập khẩu nguyên liệu bằng tiền USD và xuất cũng bằng USD nhưng chênh lệch mua - bán đồng USD cũng khiến doanh nghiệp mất một khoản. Mức này dù thấp hơn các đơn vị chỉ chuyên nhập khẩu nhưng cũng ảnh hưởng khi doanh nghiệp kinh doanh đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng "bồi" thêm khó khăn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hợp đồng vận chuyển ký bằng USD. "Doanh nghiệp khó chồng thêm khó", ông Việt dẫn chứng, cho biết thêm rằng nguyên liệu nhập khẩu tại công ty ông chiếm tới 40%, cộng hưởng chi phí logistics tăng 3-4 lần.
Một lãnh đạo Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết chi phí vận chuyển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu "đắt đỏ" hơn do tỷ giá. Chưa kể, giá cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã tăng gấp 2-3 lần do căng thẳng Biển Đỏ. "Chi phí tăng nhưng giá bán vẫn phải giữ do đã ký hợp đồng với khách hàng. Đồng nghĩa, doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận", ông nói.
Giới chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu chú ý đến tỷ giá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần phụ thuộc vào USD.
Để phòng ngừa rủi ro, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá biến động, doanh nghiệp có thể sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP). "Các nhà nhập khẩu có thể chủ động được giá USD do tỷ giá đã được xác định trong hợp đồng khi ký kết", ông Hiếu nói.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí, hạ giá thành, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo đại diện VSA, các doanh nghiệp trong ngành thép đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay vì nhập khẩu. Cùng đó, họ sẽ phải tìm mọi cách hạ giá, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chủ tịch Việt Thắng Jean cũng nói, nếu USD tiếp tục tăng mạnh, căng thẳng biển đỏ gia tăng, công ty có thể chuyển hướng tìm thêm thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu mới. Ngoài ra, với hàng bán ở thị trường nội địa, bộ sưu tập Thu Đông phải điều chỉnh giá bán khi chi phí đầu vào đang tăng 8-10%.
Nếu tỷ giá có xu hướng tăng tiếp, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể bán ra một phần ngoại tệ, hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu, trái phiếu. Thực tế, từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước ba phiên liên tiếp hút tiền trên thị trường liên ngân hàng qua kênh chào thầu tín phiếu. Tổng cộng ba ngày gần đây, nhà điều hành hút về gần 45.000 tỷ đồng, như một động thái gián tiếp giảm áp lực lên tỷ giá.
Chính phủ và các bộ ngành, theo chuyên gia này, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá.