Vướng mắc mặt bằng
Năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng đường Tam Trinh và giao cho UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt, tuyến đường có chiều dài trên 3.500m, tổng mức đầu tư 2.066 tỷ đồng. Điểm đầu nối với đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Vành đai 3, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2019.
Theo UBND thành phố Hà Nội, khi hoàn thành dự án, tuyến đường Tam Trinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân, làm giảm áp lực giao thông của các tuyến đường chính cửa ngõ phía Nam. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, sau khi UBND thành phố giao, UBND quận đã kiểm đếm, xây dựng phương án chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đó, có 1.620 hộ dân và 19 tổ chức trong diện bị thu hồi đất trên địa bàn. Ngày 17/10/2016, quận Hoàng Mai tổ chức lễ khởi công xây dựng, mở rộng đường Tam Trinh.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, tại các phường đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB tuyến đường Tam Trinh. Ban Chỉ đạo GPMB phường có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện thống nhất công tác GPMB trên địa bàn. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB. Các thành viên của Ban chỉ đạo đều được gắn trách nhiệm cá nhân, quy định chế độ giao ban, báo cáo định kỳ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều hộ dân trong diện GPMB không chịu bàn giao các diện tích đất nằm trong chỉ giới bị thu hồi. Vì thế, dự án đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch. “Khi thành phố phê duyệt dự án, người dân chúng tôi rất vui mừng. Thế nhưng, nhiều năm qua tuyến đường vẫn ngổn ngang, trong khi đây là tuyến đường quan trọng. Hằng ngày xe tải tham gia giao thông rất nhiều, kéo theo đó là khói bụi khiến người dân sống hai bên đường rất khổ”, anh Nguyễn Văn Tuấn, trú tại số 897 đường Tam Trinh, chia sẻ.
Trước những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, tháng 11/2020, UBND thành phố họp với UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc công tác GPMB. Tại cuộc họp, thành phố đã thống nhất chính sách hỗ trợ người dân như hỗ trợ hộ kinh doanh tại chợ Mai Động 1.490.000 đồng/tháng (không quá 6 tháng), hỗ trợ các hộ tự chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở. Dù vậy, nhiều hộ dân liên quan vẫn không đồng ý và tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện dự án đường Tam Trinh và các dự án liền kề.
Kéo dài thời gian thực hiện dự án
Tháng 12/2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận về chỉ giới thu hồi đất của dự án. Ngày 18/12/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 6444/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án theo thiết kế cơ sở điều chỉnh là 3.354 tỷ đồng (tăng 1.287 tỷ đồng so với Quyết định số 5504/QĐ-UBND ngày 28/11/2012). Dự án sẽ xây dựng đồng bộ tuyến đường, chiều dài khoảng 3.557,7m, với mặt cắt toàn tuyến đường 40m theo chỉ giới đường đỏ đã được UBND thành phố phê duyệt. Chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư sau khi điều chỉnh là 1.046 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh trong giai đoạn 2016 - 2026 (chậm 7 năm).
Về nguồn vốn thực hiện, ngân sách thành phố ứng trước và hoàn trả nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận Hoàng Mai để tạo nguồn vốn thực hiện dự án. Ngoài ra, dự án cũng sử dụng 1.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận Hoàng Mai.
Trước thông tin điều chỉnh dự án, người dân cho rằng, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nếu được làm rõ pháp lý của dự án, mốc giới của dự án, giá đất và chính sách đền bù, giá nhà và vị trí tái định cư. “Chúng tôi cũng đã ghi nhận ý kiến của các hộ dân và sẽ gửi lên Hội đồng GPMB quận. Đồng thời, mong muốn người dân cùng đồng hành, hỗ trợ để dự án sớm hoàn thành theo kế hoạch”, Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Văn Vịnh nói.
Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đang gấp rút hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan. Thông tin về dự án đều được đăng công khai tại cổng thông tin điện tử của phường, quận để người dân kiểm tra, giám sát và thực hiện.