Sau hai phiên lao dốc chớp nhoáng, VN-Index nhanh chóng "trở lại đường đua". Tâm lý hưng phấn trở lại, nhiều nhóm cổ phiếu "ngã ở đâu tăng gấp đôi ở đó" kéo thị trường chung dứt khoát vượt cản 1.250 điểm.
Đóng cửa phiên 13/3, VN-Index bật tăng như chưa hề có cuộc chia ly nào với mức tăng 25 điểm lên mốc 1.270 (phiên 13/3) – sát đỉnh cũ từng chạm đến trước đó. Đây cũng là phiên bứt phá mạnh nhất của thị trường trong 4 tháng qua, kể từ đầu tháng 11/2023. Lực cầu vẫn duy trì tích cực khi thanh khoản khớp lệnh trên HOSE vẫn đạt trên 23.500 tỷ đồng.
Phiên tăng bốc đầu của chỉ số khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng vì "lỡ sóng", không ít người cũng tiếc hùi hụi vì lỡ bán cổ phiếu trong hai phiên giảm điểm. Bởi nhiều kỳ vọng cho rằng thị trường cần thời gian tích luỹ và cân bằng trở lại sau nhịp điều chỉnh, đặc biệt sau khi trải qua chuỗi tăng nóng trong nhiều tháng.
Bàn về cú xoay chiều nhanh chóng của thị trường, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn FinPeace cho rằng bản chất thị trường thời gian qua đang trong pha uptrend và hai phiên giảm điểm chưa thể xoá nhoà được xu hướng tăng ngắn hạn đó.
Đặc biệt, sau chuỗi tăng điểm miệt mài 4 tháng qua, tâm lý nhà đầu tư đã quen với việc chỉ số liên tiếp đi lên và không chịu được khi chỉ số quay đầu giảm điểm nên áp lực chốt lời ngắn hạn là hợp lý. Khi thị trường điều chỉnh lập tức kéo dòng tiền của những nhà đầu tư có tầm nhìn trung hạn đứng ngoài tham gia. Việc thị trường nhanh chóng tìm được điểm cân bằng cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng vào xu hướng tăng trong trung hạn vẫn được củng cố.
Tuy vậy, chuyên gia cho rằng "sóng" trung hạn chưa thực sự được xác lập và vẫn có xác suất nhịp tăng này là nhịp "bull trap" (bẫy tăng giá -pv). Tuy nhiên, nhà đầu tư có tầm nhìn trung hạn và có kỷ luật sẽ quan tâm đến nhịp phá vỡ trend trung hạn để gia tăng tỷ trọng với mục tiêu đến hết năm 2024.
Về tác động của thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để cân bằng tỷ giá trong ngắn hạn, ông Tuấn Anh cho hay: " Mỗi giai đoạn thị trường biến động, đà tăng giảm của thị trường đều được giải thích bởi vô số lý do từ vĩ mô, quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên lo ngại khi thị trường mất thanh khoản hoặc thanh khoản ở mức thấp. Với mức thanh khoản như hiện tại, mọi tin xấu đã được phản ánh trên phe mua/ bán trên thị trường. Do đó, việc NHNN hút tiền để ghìm áp lực tỷ giá cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến biến động thị trường trong ngắn hạn".
Dù vậy, chuyên gia FinPeace cho biết áp lực chốt lời trong ngắn hạn sau mỗi con sóng dài luôn hiện hữu, nhưng rủi ro có một cú chỉnh mạnh và bất ngờ khó xảy ra. Động lực dẫn dắt chỉ số trong thời gian tới là (1) Định giá đang ở mức hấp dẫn so với trung bình quá khứ và so với các chỉ số chứng khoán trong khu vực. (2) Nhiều chỉ số chứng khoán thế giới đã vượt lịch sử, VN-Index cũng đã có gần 500 phiên tích luỹ đi ngang tính từ đỉnh. Với thời gian tích luỹ đủ dài, việc tăng giá là cần thiết để "định giá lại" khi tăng trưởng lợi nhuận dự báo khả quan hơn.(3) Chứng khoán dần trở thành sự lựa chọn phân bổ tài sản sau giai đoạn Covid.