Lạm phát gia tăng và việc các ngân hàng trung ương gấp rút tăng lãi suất và ngăn chặn dòng tiền giá rẻ đã thúc đẩy hoạt động bán tháo trên khắp các thị trường, từ chứng khoán đến hàng hóa, trong khi nâng cao giá trị của những tài sản được coi là nơi an toàn, như USD.
Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao thuộc FXStreet.com ở New York, cho biết: "Khi mọi người lo lắng, họ sẽ mua tài sản bằng đô la Mỹ".
Đó là lý do khiến USD tăng vào ngày thứ Sáu (1/7), ngay cả khi nỗi lo về suy thoái kinh tế đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng.
Đồng bạc xanh đang "đứng giữa" những lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm cố gắng giảm bớt áp lực lạm phát giá và khả năng sự thắt chặt này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.
Ông Trevisani: "Bạn thấy các tỷ giá suy yếu so với đồng USD đang đối trọng với nỗi sợ hãi về một cuộc suy thoái toàn cầu và số nợ khổng lồ cũng như tất cả các loại vấn đề khác."
Kỳ vọng về khả năng ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất đã giảm xuống, và các nhà giao dịch hiện cho rằng lãi suất của Mỹ ở thời điểm tháng 3/2023 sẽ tối đa là 3,33%, thấp hơn so với mức 4% dự báo trước cuộc họp tháng 6 của Fed. Lãi suất tham chiếu của Fed hiện ở mức 1,58%.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - lúc kết thúc ngày 1/7 theo giờ Việt Nam tăng 0,63% lên 105,39, gần sát mức cao nhất 20 năm, là 105,79 đạt được vào ngày 15/6.
Đồng euro trong cùng thời điểm giảm 0,78% xuống 1,0400 USD. Đồng tiền duy nhất đã chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm, là 1,0349 USD vào ngày 13/5.
Dữ liệu hôm 1/7 cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong tháng 6, trong khi sản lượng sản xuất của khối này giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến trong tháng này sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ, song các nhà phân tích đang bất đồng ý kiến về quy mô của bất kỳ đợt tăng lãi suất nào của ECB.
Các loại tiền nhạy cảm với rủi ro đang hoạt động rất kém hiệu quả. Đồng đô la Australia giảm xuống 0,6764 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ của Societe Generale ở London, cho biết: "Nửa cuối năm 2022 có một khởi đầu đầy rủi ro, với giá cổ phiếu và hàng hóa đồng loạt giảm. Do đó, đồng USD đang mạnh lên khá nhanh".
Ngân hàng Dự trữ Australia sẽ ra quyết định về chính sách vào thứ Năm tuần tới (7/7) và các thị trường kỳ vọng lãi suất chủ chốt của ngân hàng này sẽ tăng thêm nửa điểm.
Đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất trong hai tuần, là 1,20 USD, một ngày sau khi dữ liệu chính thức cho thấy mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh đầu năm 2022 cao kỷ lục.
Đồng USD tăng so với các tiền tệ khác, song lại giảm 0,35% so với yên Nhật trong phiên vừa qua, xuống 135,31 JPY. Trong tuần này, đồng tiền Nhật Bản đã có lúc chạm mức thấp nhất trong 24 năm, là 137,01 JPY vào thứ Tư (29/6).
Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng rúp Nga quay đầu giảm hơn 6% xuống mức thấp nhất trong vòng 10 ngày, trong khi cổ phiếu của Gazprom tiếp tục giảm sau khi "gã khổng lồ" của ngành khí đốt hủy kế hoạch trả cổ tức, gây áp lực lên chỉ số chứng khoán Nga.
Lúc kết thúc ngày 1/7 theo giờ Việt Nam, rúp Nga giảm 5,9% so với đồng USD, xuống 54,50 RUB/USD, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/6, là 54,9250 RUB. Đáng chú ý là đồng tiền này đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm chỉ vài ngày trước, hôm thứ Tư (29/6). So với euro, rúp cũng giảm 5,9% xuống 56,85 RUB/EUR.
Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá trong phiên vừa qua do đang là "mùa" các doanh nghiệp có nhu cầu cao đối với đồng bạc xanh để trả cổ tưc cho các cổ đông nước ngoài (tháng 6-8), trong bối cảnh thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 1/7 ấn định tỷ giá CNY ở mức 6,663 CNY/USD, tăng 251 pip, hay 0,38%, so với mức 6,7114 CNY ở phiên liền trước. Trên thị trường giao ngay nội địa, nhân dân tệ kết thúc ngày 1/7 giảm 44 pip xuống 6,7045 CNY. Tính chung cả tuần, CNY giảm 0,22% so với USD.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước ngày 1/7 công bố tỷ giá trung tâm của tiền đồng so với USD ở mức 23.110 VND/USD (tăng 11 đồng so với ngày hôm trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán). Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.910 đồng/USD và bán ra 23.940 đồng/USD, giá mua tăng 30 đồng và giá bán tăng 10 đồng so với ngày hôm trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin ngày 1/7 hầu hết giao dịch dưới mức 19.500 USD, có lúc xuống chỉ 18.866,77 USD, kết thúc ngày 1/7 theo giờ Việt Nam ở mức 19.453 USD
Một số người chơi lớn trong thị trường tiền điện tử đã gặp khó khăn và sự sụt giảm thêm nữa có thể buộc các nhà đầu tư tiền điện tử khác phải bán số tiền nắm giữ để thanh toán tiền ký quỹ và cắt lỗ.
Cùng chung xu hướng, Ether đồng tiền được liên kết với mạng blockchain ethereum, cũng có lúc giảm xuống 1.011 USD, lúc kết thúc ngày 1/7 theo giờ Việt Nam ở mức 1.070 USD.
Cả hai tài sản kỹ thuật số đều gặp khó khăn kể từ khi nhà cho vay có trụ sở tại Mỹ, Celsius Network, cho biết họ sẽ tạm ngừng các hoạt động rút tiền. Bitcoin và ether tiếp tục bị xáo trộn bởi sự vỡ nợ rõ ràng của quỹ đầu cơ tiền điện tử Three Arrows Capital, mà có nguồn tin cho hay quỹ này đã bắt đầu thanh lý.
Nhiều vấn đề gần đây của thị trường tiền điện tử có thể bắt nguồn từ sự sụp đổ ngoạn mục của cái gọi là stablecoin TerraUSD vào tháng 5, chứng kiến đồng stablecoin mất gần như tất cả giá trị.
Giá Bitcoin ngày 1/7.
Giá vàng giảm trong phiên 1/7, tính chung cả tuần cũng giảm tuần thứ 3 liên tiếp do USD mạnh lên làm giảm nhu cầu đối với tài sản không có lợi suất như vàng, trong khi việc Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng miếng cũng làm giảm triển vọng nhu cầu của nước này.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 1/7 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% xuống 1.800,50 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 1,4%; vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,2% xuống 1.803,70 USD.
Trong nước, giá vàng cũng đồng loạt giảm, với vàng PNJ giảm mạnh 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Chris Gaffney, chủ tịch thị trường thế giới của Ngân hàng TIAA cho biết: "Đồng đô la là nhân tố lớn nhất gây áp lực lên vàng, với bức tranh lớn hơn là lãi suất tăng".
Các nhà đầu tư dường như cũng thích sự an toàn của đồng đô la trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái, với sự tăng giá của đồng tiền này cũng khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk