Mất bao lâu để xây dựng một cơ sở sản xuất chip tiên tiến, có sức cạnh tranh trên toàn cầu? Đối với Mỹ, quốc gia đang cố gắng đảo ngược vị thế trong giới sản xuất chip nhớ, câu trả lời đáng thất vọng lại là: “Lâu hơn bạn tưởng rất nhiều”.
Ngay cả khi nỗ lực xây dựng một số siêu nhà máy chip trên đất Mỹ mới đây đang có dấu hiệu khả quan, điều này vẫn được cho là không đủ để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới giữ vững “ngôi vương” trong ngành công nghiệp chip.
Theo Financial Times, rào cản mới nhất đến từ sự chậm trễ trong việc áp dụng dự luật cung cấp gói hỗ trợ trị giá 52 tỷ USD cho các nhà máy chip mới. Giám đốc điều hành Intel, ông Pat Gelsinger hồi tuần này đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông cho biết trừ khi Quốc hội sớm “xắn tay’’ hành động, nếu không Intel có thể sẽ phải tạm dừng việc xây dựng nhà máy chế tạo chip tiên tiến trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio.
Trước đó, ông Gelsinger từng quả quyết tuyên bố, rằng ngay cả khi Quốc hội không thông qua các gói hỗ trợ tài chính, kế hoạch xây nhà máy mới của Intel vẫn tiến hành. “Chúng tôi sẽ đi những bước nhỏ hơn và chậm hơn nếu không được tài trợ và ngược lại”.
Mỹ đang dần 'tụt hậu' trong tham vọng bá chủ ngành công nghiệp chip nhớ
Được biết, Intel được EU cam kết đầu tư 6,8 tỷ Euro cho một dự án của Đức. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Gelsinger ngầm ám chỉ rằng trọng tâm sản xuất chip tiên tiến của Intel có thể dần chuyển sang châu Âu.
Theo Financial Times, tập đoàn sản xuất chip khổng lồ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc đều đi trước Intel một bước. Quốc hội Mỹ trước đó đã bỏ phiếu để thông qua các gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD, song đến nay vẫn chưa đi đến sự thống nhất. Khả năng “phép màu” xảy ra vào cuối năm nay gần như là không thể.
Ngay cả khi những rào cản trên được tháo gỡ, thách thức đối với lĩnh vực sản xuất chip nhớ của Mỹ vẫn tồn tại. Theo Morris Chang, nhà sáng lập TSMC kiêm “cha đỡ đầu” ngành công nghiệp chip hàng đầu tại Đài Loan, con số 52 tỷ USD được đề cập bên trên dường như là “không đủ”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Brookings Institute và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Chang ví gói hỗ trợ này như “một sự tốn kém trong vô vọng”. Ông cho rằng năng lực sản xuất của Mỹ đã mai một đi nhiều trong suốt 40 năm qua và do vậy khó tránh khỏi việc bị so sánh với các quốc gia châu Á. Thậm chí hiện tại, sau nhiều năm cải tiến, chip nhớ sản xuất tại Mỹ vẫn có giá cao hơn 50% so với chip sản xuất tại Đài Loan.
Theo Financial Times, tập đoàn sản xuất chip khổng lồ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc đều đi trước Intel một bước
Trước đây, Mỹ được coi là “nơi khai sinh” ra ngành công nghiệp chip nhớ nhờ những tập đoàn tiên phong như Intel. “Danh xưng” này đang dần bị lung lay, trong bối cảnh ngày càng nhiều các nhà máy chip chuyển đến châu Á. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng ngày càng bành trướng trước tham vọng trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Hiện tại, theo dữ liệu của TrendForce, TSMC chiếm 56% thị trường sản xuất chip toàn cầu, trong khi Samsung nắm 18%. Quan trọng hơn, họ gần như “bao trọn” những con chip cao cấp cần cho công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo: Financial Times