Sức khỏe

Uống sữa giả ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, nội tạng thế nào?

Tóm tắt:
  • Đường dây sản xuất sữa giả tại Hà Nội gây lo ngại vì nhắm đến đối tượng dễ tổn thương như trẻ em và phụ nữ mang thai.
  • Sữa giả không đạt chuẩn dinh dưỡng và có thể chứa chất bảo quản vượt mức cho phép, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
  • Việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến tổn thương gan, thận, tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng như suy thận hoặc ung thư.
  • Trẻ nhỏ và người cao tuổi dễ gặp rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch suy yếu khi sử dụng sữa giả.
  • Các cách phân biệt sữa thật và giả bao gồm kiểm tra mã vạch, quan sát màu sắc và kết cấu, nhưng cần cẩn thận vì sữa giả ngày càng tinh vi.

Vụ triệt phá đường dây sản xuất sữa giả tại Hà Nội vừa qua đã gây xôn xao dư luận. Đáng lo ngại khi các sản phẩm giả này chủ yếu nhắm đến đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền như suy thận, tiểu đường...

Sữa giả là các loại sữa được sản xuất với quy trình không đạt chuẩn, không đảm bảo giá trị dinh dưỡng như công bố trên nhãn, bao gồm năng lượng, vitamin và các khoáng chất thiết yếu. Ngoài ra, các sản phẩm này còn tiềm ẩn nguy cơ chứa chất bảo quản vượt mức cho phép hoặc các hợp chất có hại cho cơ thể.

Uống sữa giả ảnh hưởng đến nội tạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa thế nào? - Ảnh 1.

Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

Ảnh: AI

Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thảo Nguyên, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, việc sử dụng sữa giả không chỉ khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất cần thiết, mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Ảnh hưởng đến gan và thận

Thực tế, nhiều loại sữa giả bị phát hiện có chứa các chất phụ gia hóa học và kim loại nặng như chì, cadmium, hoặc chất tạo màu độc hại. Khi đưa vào cơ thể, các hợp chất này làm tăng gánh nặng cho gan và thận – hai cơ quan chính đảm nhiệm chức năng lọc và thải độc.

"Nếu sử dụng sữa giả trong thời gian dài, độc chất tích tụ có thể gây tổn thương gan, thận và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như suy gan, suy thận và ung thư", bác sĩ Nguyên cho hay.

Ảnh hưởng hệ tiêu hóa

Trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với các thành phần kém chất lượng có trong sữa giả. Sữa giả có thể gây ra các rối loạn cho hệ tiêu hóa với những biểu hiện thường gặp như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…

Ảnh hưởng đến tim mạch

Một số loại sữa giả còn được phát hiện chứa chất béo trans (trans fat) và hàm lượng natri vượt mức cho phép, gây hại lên hệ tim mạch. Việc sử dụng trong thời gian dài có thể làm tăng cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cao huyết áp, thậm chí là đột quỵ. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc suy thận.

Uống sữa giả ảnh hưởng đến nội tạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa thế nào? - Ảnh 2.

Sữa giả là các loại sữa được sản xuất với quy trình không đạt chuẩn, không đảm bảo giá trị dinh dưỡng như công bố trên nhãn

ẢNH MINH HỌA: AI

Tác động đến hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch - đặc biệt ở trẻ nhỏ và người có bệnh nền, phụ thuộc rất lớn vào các vi chất di dưỡng như kẽm, selen, vitamin A, D, và các axit béo thiết yếu. Tuy nhiên, sữa giả thường chỉ chứa một lượng rất nhỏ các vi chất này, không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm virus từ môi trường bên ngoài sẽ tăng cao. Trẻ em dùng sữa giả có thể dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa, hoặc cảm cúm. Với người lớn, đặc biệt là người già và người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu có thể khiến bệnh lý tiến triển nặng hơn, làm gia tăng nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Nguy cơ ngộ độc khi uống sữa giả

Bác sĩ Thảo Nguyên cho biết, ngộ độc cấp tính là một trong những hậu quả nghiêm trọng khi trẻ nhỏ sử dụng sữa giả. Các triệu chứng bao gồm nôn mửa dữ dội, co giật, sốt cao, và thậm chí hôn mê. Nguyên nhân của ngộ độc cấp tính thường liên quan đến vi khuẩn hoặc độc tố có trong sữa giả, như aflatoxin từ nấm mốc, hoặc các hóa chất độc hại như melamine. Melamine nếu tích lũy trong cơ thể có thể gây sỏi thận và suy thận cấp.

Ngộ độc mạn tính có thể xảy ra khi sử dụng sữa giả trong thời gian dài, dẫn đến tích tụ các chất độc hại trong cơ thể. Các loại sữa giả này thường chứa kim loại nặng như chì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Ở trẻ em, chì có thể gây chậm phát triển trí tuệ, trong khi ở người lớn, nó làm suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, việc uống sữa giả lâu dài còn làm tăng nguy cơ ung thư.

Một số cách hỗ trợ phân biệt sữa giả

Bác sĩ Nguyên chia sẻ một số cách cơ bản để người tiêu dùng kiểm tra và phát hiện sữa giả:

Kiểm tra mã vạch: Sữa thật có mã vạch trùng khớp với thông tin về nhà sản xuất và quốc gia xuất xứ (VD: Việt Nam 893, Mỹ 000-019 hoặc 030 - 039). Trong khi đó, nhiều loại sữa giả thường có mã vạch không tra được thông tin.

Quan sát màu sắc và kết cấu: Sữa thật có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, kết cấu mịn, tơi xốp, không vón cục. Sữa giả có thể có màu vàng đậm, xám, hoặc vón cục, cảm giác thô ráp khi chạm vào.

Ngửi và nếm thử mùi vị: Sữa thật có mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh, tan chậm trong miệng. Sữa giả có thể có mùi gắt, chua, hoặc lẫn mùi hóa chất.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Thảo Nguyên, 3 cách phân biệt này chỉ mang tính chất tham khảo.

"Hiện nay, nhiều loại sữa được làm tinh vi đến mức gần giống hệt sữa thật, kể cả mã vạch, tem nhãn, mùi vị lẫn màu sắc. Do đó, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có giấy tờ kiểm định rõ ràng, chỉ nên mua tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng uy tín, hoặc website chính thức của nhà sản xuất", bác sĩ Nguyên khuyến nghị.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.