Dinh dưỡng

Uống nước chanh có ngừa mắc cúm, sởi khi đi chơi lễ?

Tóm tắt:
  • Nước chanh chứa vitamin C giúp giải nhiệt nhưng không ngừa cúm, sởi và không có bằng chứng khoa học chứng minh điều này.
  • Phòng cúm, sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine, được WHO, CDC và Bộ Y tế khuyến cáo.
  • Cúm và sởi lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với virus qua tay lên mặt; tiêm đủ vaccine phòng bệnh tốt nhất.
  • Khi đi chơi lễ nên uống đủ nước, ăn đủ chất, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và không tự điều trị bệnh.
  • Việt Nam có các loại vaccine sởi và cúm phù hợp từng lứa tuổi, cần tiêm đủ liều và nhắc lại hằng năm với cúm.

Trả lời:

Nước chanh giàu vitamin C và chất chống oxy hóa. Vào các ngày nắng nóng, hoặc khi đi chơi lễ, uống nước chanh vừa phải, không quá chua sẽ giúp giải nhiệt và cung cấp vitamin C cho cơ thể.

Thời gian qua, mạng xã hội có nhiều chia sẻ về việc uống nước chanh trị và phòng bệnh. Cách này không đúng và chưa được khoa học chứng minh. Bạn không nên làm theo.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học, hay nghiên cứu nào chỉ ra nước chanh phòng được các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm, sởi. Nước chanh chua, nhiều axit, nếu lạm dụng sẽ không tốt cho sức khỏe.

Cách phòng cúm, sởi hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine, được WHO, CDC Mỹ, Bộ Y tế nước ta khuyến cáo. Lý do, cúm và sởi là hai bệnh truyền nhiễm, dễ lây qua đường hô hấp, hoặc tiếp xúc với các vật dụng chứa virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Trong đó, tiêm đầy đủ vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh đến 98%, còn vaccine cúm đến 90%. Nếu chưa tiêm vaccine, bạn và gia đình nên tiêm càng sớm càng tốt.

Chanh giàu vitamin C, song không có tác dụng ngừa mắc cúm, sởi. Ảnh: Diệu Thuần

Chanh giàu vitamin C, song không có tác dụng ngừa mắc cúm, sởi. Ảnh: Diệu Thuần

Để có kỳ nghỉ lễ vui vẻ, khỏe mạnh, bạn nên uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi đến nơi đông người cần mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc họng bằng nước muối sinh lý, khử khuẩn đúng cách. Trường hợp mắc bệnh cần đi khám sớm, không nên tự dùng thuốc, điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn.

Cúm và sởi là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan và phát triển thành dịch. Bệnh gây ra các triệu chứng sốt, đau họng, sổ mũi, đau đầu, ho, phát ban...

Với sởi, hiện Việt Nam có các loại vaccine như mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVAC), hai loại phối hợp 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Mỗi người cần tiêm đủ hai mũi cách nhau một tháng nếu chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó. Phụ nữ nên tiêm vaccine ngừa sởi tốt nhất trước khi mang thai ba tháng.

Còn cúm, Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine phòng các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, hai chủng cúm B. Trong đó, loại của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố kháng thể đã suy giảm theo thời gian.


Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Các tin khác

Ăn ít vào buổi tối có tốt không?

Tôi có thói quen ăn ít vào buổi tối, nhưng nhiều thông tin nói rằng bữa tối cũng rất quan trọng, vậy việc ăn ít đem lại lợi ích hay hại sức khỏe? (Đức, 38 tuổi, Hà Nội).

Giải pháp phòng ngừa viêm phổi do RSV hàng đầu thế giới đã có tại Việt Nam

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Với mong muốn đồng hành cùng các bậc phụ huynh và cộng đồng trong hành trình bảo vệ sức khỏe trẻ em, FPT Long Châu mang đến giải pháp mới giúp dự phòng RSV cho trẻ nguy cơ cao. Đây không chỉ là cam kết về chất lượng và trách nhiệm, mà còn là hành động thiết thực, chung tay vì tương lai Việt Nam khỏe mạnh.

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cao nhất hơn 5.200 đồng/km

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, đồng ý thu phí 5 cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Mức phí thấp nhất là 900 đồng/km và cao nhất là 5.200 đồng/km.