Kỹ năng sống

Ước mơ làm con gái của đứa cháu đích tôn

Bà Thúy Nga, 48 tuổi ở Kim Thành, Hải Dương (mẹ của Tiến) kể, chồng là con trai duy nhất trong nhà, đến khi sinh Tiến cũng là đích tôn và cháu trai duy nhất thời đó.

Ban đầu cả nhà nghĩ do xung quanh toàn các chị em gái nên Tiến mới như vậy. "Nhưng con càng lớn, chúng tôi càng nhận ra con nữ tính từ bên trong", Nga nói.

Thủy Tiên và mẹ khi 3 tuổi và khi 22 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thủy Tiên khi 3 tuổi và khi 22 tuổi với dì và mẹ (từ trái qua). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dẫu vậy, cha mẹ Tiến không can thiệp vào cuộc sống của con, miễn con ngoan ngoãn và có chí tiến thủ. Đúng như kỳ vọng của gia đình, Tiến luôn nỗ lực học hành. Suốt các cấp học, "cậu bé" Tiến luôn giữ vị trí top đầu, giành được nhiều giải tỉnh và quốc gia không chỉ trong học tập mà cả thể thao. "Em ý thức mình khác biệt, nên phải đặc biệt. Một khi học tốt bạn bè sẽ nể, thầy cô sẽ quý, như vậy sự kỳ thị sẽ giảm đi", Tiến, nay mang tên Nguyễn Thủy Tiên, 23 tuổi, nói.

Hết cấp ba, Tiên nói với bố mẹ muốn theo nghệ thuật nhưng ông Duy Đạt khuyên con: "Những cái liên quan đến nghệ thuật và năng khiếu đôi khi con không cần phải học. Nếu con có năng khiếu và cái số nổi tiếng, sẽ theo được nghề. Tại sao con không nghĩ nếu một ngày không sống được với nghề mình thích thì vẫn có một tấm bằng đảm bảo cho tương lai. Bố thấy con khá có năng khiếu để trở thành một luật sư".

Chính cô cũng nhận ra bản thân hoạt ngôn nên có thể theo được nghiệp luật. Sau khi vào Khoa Luật, Đại học Văn Hóa Hà Nội, một mặt Tiên cố gắng học để ra trường trước thời hạn, mặt khác tìm thấy niềm đam mê trong Zumba và trở thành một huấn luyện viên nổi tiếng ở thủ đô.

Tết 2020, Thủy Tiên đề nghị được nói chuyện riêng với bố. "Bố ơi, con sinh ra là nam nhưng bên trong là con gái", người con nói. Lúc đó bà Nga run bần bật, chỉ sợ chồng không chấp nhận rồi nổi nóng với con. Nhưng không ngờ người cha nói: "Bố biết từ lâu rồi. Lâu nay bố cũng muốn một lần con nói ra. Con cứ sống miễn làm sao vui vẻ, hạnh phúc. Có con gái như con, bố không áp lực tí nào".

Với sự ủng hộ của gia đình, Thủy Tiên thể hiện sự nữ tính của mình nhiều hơn kể cả những khi về quê. Tuổi đôi mươi có sự nghiệp rực rỡ và cuộc sống sắc màu, nhưng cũng lúc đó cô rơi vào trầm cảm.

Bao lâu nay Tiên đã định vị mình là con gái, đâu cần phải phẫu thuật. Cô cũng rất sợ chết, khi cuộc sống với mình đang có quá nhiều tốt đẹp. Nhưng đại dịch khiến cô nhìn lại mình và càng thêm khát khao làm một người con gái trọn vẹn cả cơ thể lẫn tâm hồn. Tham khảo về phẫu thuật chuyển giới, cô thấy không nguy hiểm như mình nghĩ. "Hai tháng trăn trở có phẫu thuật hay không làm em trầm cảm. Cứ đêm đến em không ngủ được, em khóc mà không biết tại sao", cô chia sẻ.

Biết được tình trạng của Tiên, bà Nga đặt bác sĩ tâm lý để hỗ trợ con. Sau khi nói chuyện với chuyên gia tâm lý, cộng thêm cuộc nói chuyện với ca sĩ Lynk Lee - người chia sẻ hối hận vì tận 30 tuổi mới làm phẫu thuật - Tiên hạ quyết tâm không thể mang thân hình này mãi.

"Tuổi 23 không phải già, nhưng để phẫu thuật đẹp nhất thì không còn quá lý tưởng. Em cũng không thể để năm 30 tuổi mới làm, cái tuổi không còn trẻ khỏe và có quá nhiều mối lo khác", cô bộc bạch.

Ngày Tiên báo với bố mẹ, họ chỉ hỏi lại thêm một lần để đảm bảo con không nông nổi, rồi nói sẽ ủng hộ con. Bà Nga giãi bày rằng biết nhiều người chuyển giới phải chật vật bằng mọi cách, mọi giá để thực hiện ước mơ. Vợ chồng bà không muốn con mình phải khổ và tổn hại sức khỏe. Phẫu thuật xong càng sớm, con càng tập trung được sự nghiệp, có được thanh xuân và sức khỏe tốt nhất. "Nếu quy ai có lỗi, suy cho cùng không phải từ bậc sinh thành này sao? Là người sinh ra con, chúng tôi phải có trách nhiệm với con", người mẹ nói.

Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, hàng tuần vợ chồng bà gửi thực phẩm từ quê lên, ép con phải ăn. Họ cũng tác động đến những người thân, đặc biệt là ông bà nội của Tiên. Sau khi thông suốt, cả ông bà nội đều đã ngoài 80 tuổi ủng hộ cháu chuyển giới.

Giữa tháng 5/2022, Thủy Tiên lên bàn mổ. Hơn chục người thân từ quê lên Hà Nội túc trực ngoài phòng mổ từ sáng tới tối. Cháu phẫu thuật xong tỉnh táo, người này người kia cho tiền mua đôi giày, chiếc váy, thỏi son... Bà Nga ở lại chăm con gái hai tuần.

Khi sức khỏe ổn định, Tiên về quê. Cũng từ lúc này trong nhà xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Cái tên Nguyễn Thủy Tiên được thay cho Nguyễn Duy Tiến, song mọi người vẫn chưa quen được tên mới nên chốc chốc lại có người gọi nhầm.

Ông Duy Đạt phân công cho vợ sang ngủ với con gái, mình ngủ với con trai út. Một tuần sau, ông hỏi: "Thế mẹ đã dạy con gái được những gì rồi?". Lúc này hai mẹ con mới vỡ lẽ, hóa ra bố bảo ngủ cùng là để mẹ tâm sự với con, dạy bảo con từ nữ công gia chánh, ăn nói, đi cứng, đến cách phải bảo vệ bản thân như thế nào.

Thủy Tiên tâm sự thêm, trước nay cô với bố vốn không hợp tính. Nhưng từ khi cô thành con gái, bố bỗng trở nên gần gũi, yêu chiều và tự hào khoe con. "Bữa rồi em đang ăn cơm thì bố gọi nói giờ bố nổi tiếng khắp cơ quan, ai cũng chúc mừng bố có cô con gái thứ ba", cô kể.

Thủy Tiên trò chuyện cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong buổi talk show chủ đề: Cơ thể của người chuyển giới, lựa chọn của người chuyển giới, hôm 23/10, tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thủy Tiên (trái) trò chuyện cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong buổi talk show chủ đề: "Cơ thể của người chuyển giới, lựa chọn của người chuyển giới", hôm 23/10, tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với hậu thuẫn lớn từ gia đình, Thủy Tiên thấy mình may mắn hơn những người trong cộng đồng LGBT. Điều này đã thôi thúc cô phải làm gì đó cho cộng đồng. Nhóm "Let’s dance with us", với một chuỗi các lớp học Zumba do cô đứng lớp đã tạo môi trường cho người LGBTQ gần gũi hơn với người dị tính, đồng thời gây quỹ từ thiện giúp đỡ người khó khăn.

Hiện Thủy Tiên đang làm việc với nhiều tổ chức phi chính phủ, đồng thời theo đuổi ước mơ trở thành diễn giả. Tại một talk show mới đây được một công ty Luật quốc tế mời làm diễn giả, khi nhận được câu hỏi: "Có nên làm một toilet riêng cho những người chuyển giới hay không?", Tiên trả lời không cần.

"Người chuyển giới muốn được nhìn nhận như một giới tính bình thường. Bởi vì họ nhìn nhận mình là con gái nên vào nhà vệ sinh nữ là đúng rồi. Họ đang muốn hòa nhập cộng đồng, xây toilet riêng lại trở thành kỳ thị. Điều cần cải thiện là tư tưởng của mọi người. Như người bị HIV trước đây, vì mọi người không hiểu nên sợ và kỳ thị, đẩy họ ra, khiến họ tự tử, giấu giếm bệnh, làm tỷ lệ lây lan hơn. Chính sự phân biệt đối xử làm mọi thứ trở nên xấu hơn, thụt lùi", cô nói.

Chị Vũ Thị Phượng, một huấn luyện viên Zumba ở Hà Nội cho biết "khâm phục và biết ơn" Thủy Tiên. Hai người gặp nhau 5 năm trước trong một phòng tập, khi đó Tiên là sinh viên năm nhất, còn chị là bà mẹ ba con. "Tôi lấy chồng từ 21 tuổi, bao năm chỉ biết con cái, nội trợ, không hiểu biết xã hội. Chính Tiên đã chỉ cho tôi nhiều cái tôi không biết, không hiểu. Chơi với bạn ấy nên tôi cũng trẻ trung, sôi nổi, giờ 40 tuổi rồi mà không ai tin", chị chia sẻ.

Để có thể làm được nhiều hơn, Nguyễn Thủy Tiên đang tham gia cuộc thi Hoa hậu chuyển giới. Cô nàng thừa nhận bên ngoài mình có vẻ điệu đà, nhưng khi làm bất cứ việc gì cô luôn là một chiến binh.

"Có thể một số người xem đây như một cuộc chơi, riêng tôi là một cuộc chiến. Từ bé tới nay, một khi tôi đã muốn làm điều gì sẽ cố hết sức để đạt được kết quả tốt nhất", cô gái 23 tuổi hạ quyết tâm.

Xem thêm ảnh Thủy Tiên trước và sau phẫu thuật chuyển giới:

Cùng chuyên mục

Đọc thêm