Trong phiên giao dịch 21/10 tại New York, thị trường đã liên tục đưa ra đồn đoán về khả năng Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách mua đồng yen và bán USD. Bộ Tài chính từ chối bình luận nhưng theo các nguồn tin thân cận với vấn đề này, các cơ quan quản lý tiền tệ đã buộc phải hành động. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã nói rằng Nhật Bản "nghiêm khắc đối mặt với những kẻ đầu cơ."
Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự suy yếu của đồng yen so với USD khó có thể sớm thay đổi, vì BoJ vẫn đang đi ngược chiều so với xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát. Các nhà phân tích cho biết sự khác biệt đó dự kiến sẽ được xác nhận khi BoJ tổ chức cuộc họp chính sách vào ngày 27-28/10 tới.
Theo các nguồn tin, Chính phủ Nhật Bản đã bất ngờ can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen - lần đầu tiên trong vòng 24 năm - vào ngày 22/9 song những tác động của biện pháp này nhanh chóng suy yếu. Sau động thái can thiệp lần thứ hai vào ngày 21/10, đồng yen giao dịch quanh mức 147,7 yen đổi 1 USD.
Đằng sau sự sụt giảm không ngừng của đồng yen là sự mong manh của nền kinh tế Nhật Bản và khả năng cạnh tranh giảm sút - những yếu tố không thể đảo ngược ngay lập tức. Tuy vậy, sự kết hợp giữa lạm phát cao và đồng yen yếu, cả hai đều ở mức chưa từng thấy trong hơn ba thập kỷ, khó có thể ảnh hưởng đến lập trường của BoJ. Ngân hàng trung ương đã cam kết duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định trong một sự kiện ngày 21/10 rằng, BoJ cần hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát (2%) một cách bền vững và ổn định, đi kèm với tăng trưởng tiền lương, bằng cách kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ.
Giới quan sát chỉ ra rằng, BoJ dường như gặp khó khăn trong việc biện minh cho lập luận rằng lạm phát do chi phí đẩy gần đây chỉ là tạm thời. Ngân hàng trung ương cũng cần tìm cách thuyết phục các hộ gia đình rằng chính sách lãi suất siêu thấp là con đường đúng đắn vào thời điểm đồng yen suy yếu đang ngày càng đẩy nhanh tốc độ tăng lạm phát do chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng lên.
Tốc độ tăng lạm phát ở Nhật Bản chậm hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Dữ liệu lạm phát ở thủ đô Tokyo được sử dụng làm chỉ số lạm phát hàng đầu trên toàn quốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Tokyo, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã tăng trong tháng thứ 13 liên tiếp. Lạm phát tại Tokyo trong tháng Chín ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/1992 khi Tokyo ghi nhận CPI lõi tăng 2,9%.
Nhật Bản đã chứng kiến gần hai thập kỷ giảm phát, mức lương cơ bản tăng chậm, và giờ đây các hộ gia đình lại phải chịu áp lực lạm phát kéo dài. Trong tình thế đầy khó khăn, Thủ tướng Fumio Kishida mới đây đã ban hành gói cứu trợ kinh tế để hỗ trợ các hộ gia đình.
Yoshiki Shinke, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “Từ góc độ người tiêu dùng, đồng yen yếu tạo ra nhiều kết quả tiêu cực hơn là tích cực. Giá thực phẩm tăng, giá các mặt hàng nhập khẩu và tiêu dùng khác cũng vậy." Ông Shinke dự kiến CPI lõi sẽ đạt 3,5% vào đầu tháng 10/2022 - mức cao nhất trong 40 năm - và duy trì trên 3% ít nhất cho đến tháng 1/2023. Chính phủ cũng đã đưa ra các chiến dịch giảm giá kích cầu du lịch nội địa, nhưng vẫn chưa rõ biện pháp này có thể có tác động tích cực như thế nào.
Bất chấp dấu hiệu lạm phát gia tăng, các nhà kinh tế tại quỹ đầu tư UBS Nhật Bản cho rằng Thống đốc Kuroda sẽ không "thay đổi lập trường - đưa ra các biện pháp thắt chặt hay sửa đổi các chính sách hiện hành", mặc dù đã có rất nhiều nhà chính trị không đồng tình với quan điểm này của ông Kuroda.
Trong thời gian đương nhiệm, ông Kuroda đã đưa ra chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC). Theo chương trình này, BoJ đặt lợi suất trái phiếu ngắn hạn ở mức âm 0,1%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. BoJ đã cho phép trái phiếu kỳ hạn 10 năm được dao động trong phạm vi từ -0,25% đến +0,25%. Chương trình này dự kiến sẽ được điều chỉnh ngay sau khi ông Kuroda kết thúc nhiệm kỳ thống đốc vào tháng 4/2023.
Nhà kinh tế trưởng Mari Iwashita thuộc ngân hàng đầu tư Daiwa Securities nhận định, sự đảo ngược ngay lập tức của xu hướng (đồng yen yếu) khó có thể xảy ra. Tăng trưởng có thể sẽ chậm lại ở Mỹ và Trung Quốc trong những tháng tới và điều này sẽ là lý do để BoJ duy trì chính sách lãi suất siêu thấp.
Không phải tất cả những tác động của đồng yen yếu đều là tiêu cực, vì nó giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản ở nước ngoài. Khi đồng tiền giảm giá xuống mức thấp lịch sử, chính phủ nước này đang kỳ vọng vào sự trở lại của khách du lịch nước ngoài và tăng xuất khẩu nông sản.