Văn hóa làm việc của một công ty có thể phù hợp với cá nhân này, nhưng lại vô cùng tồi tệ đối với những cá nhân khác.
Chắc hẳn, bạn sẽ luôn mong muốn tìm kiếm một công việc có môi trường làm việc hiệu quả, không ồn ào, không khiến bạn bị chi phối giữa công việc và cuộc sống. Tuy vậy, xung quanh bạn vẫn luôn có những người đồng nghiệp thích "buôn dưa lê" trong những cuộc họp hoặc rủ rê mọi người đến dự tiệc sinh nhật của họ trong giờ làm việc. Mặt khác, bạn cũng có thể là tuýp người luôn muốn tìm cho mình những tình bạn thân thiết và vui vẻ nơi công sở, nhưng bạn lại khá kín tiếng, khô khan và cứng nhắc.
Bạn không cần phải cố gắng làm việc trong một công ty có quá nhiều điều tiêu cực. Khi bạn tạm gạt bỏ môi trường làm việc sang một bên, thì công việc của bạn mới là thứ quan trọng nhất. Bạn là người có năng lực tốt và thực sự yêu công việc của mình, vậy bạn có chắc mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc hiện tại chứ? Bạn nghĩ khi nào thì mình sẽ phải rời bỏ công việc này? Văn hóa tại nơi làm việc có thực sự quan trọng, ảnh hưởng đến việc bạn hoàn thành tốt các công việc được giao không?
Trong vài thập kỷ gần đây, các công ty bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng văn hóa làm việc. Mặc dù, mỗi công ty đều có văn hóa khác nhau, nhưng vẫn có một số tiêu chuẩn được áp dụng khá phổ biến: Một môi trường làm việc tốt là nơi nhân viên cảm thấy bản thân họ được đánh giá cao và được hỗ trợ để cùng nhau phát triển. Việc bắt nạt và bóc lột lao động chính là biểu hiện của văn hóa làm việc tồi tệ. Cùng với đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu họ được phát triển trong môi trường làm việc tích cực. Từ đó, sự thành công và phát triển của các doanh nghiệp cũng đạt được kết quả cao hơn. Những nhân viên không cảm thấy hài lòng và thoải mái khi làm việc sẽ không thể bám trụ và tự rời đi. Chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới có thể sẽ tương đương từ 6 đến 9 tháng tiền lương của nhân viên cũ. Vì vậy, việc các công ty đầu tư vào văn hóa làm việc không phải là hoạt động miễn phí, mà đó là khoản đầu tư có lợi nhuận.
Bạn không thể xác định được văn hóa làm việc của một công ty tốt hay xấu nếu bạn không thực sự làm việc ở đó. Đối với nhiều công ty và các tổ chức truyền thông, họ thường đưa một số các đặc quyền cho nhân viên như: bàn chơi bóng, khu vực ăn uống, các dịch vụ giặt sấy, hoặc tặng bánh nướng vào mỗi thứ sáu,… vào văn hóa của tổ chức. Các nhà tuyển dụng thường sử dụng các đặc quyền để tiếp cận nhân viên của mình. Bởi vì, khi tiếp cận với nhân viên theo những cách thoải mái, họ sẽ dễ dàng giao tiếp và xác định được nhân viên của mình có tiềm năng hay không.
Mặt khác, văn hóa tổ chức của một công ty cũng rất khó để định nghĩa được một cách rõ ràng.
Nhà tư vấn văn hóa Marcella Bremer từng nói rằng: "Văn hóa tổ chức là ‘cách chúng ta làm mọi việc ở nơi làm việc’", trích dẫn từ tuyên ngôn của Hewlett-Packard vào năm 1980. Đây là một trong những công ty lớn đầu tiên thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa tổ chức.
Những người khác lại cho rằng văn hóa tổ chức chỉ là sự tương tác giữa các cá nhân. Người sáng lập The Purposeful Culture Group, huấn luyện viên điều hành Chris Edmonds cho biết: "Tôi định nghĩa văn hóa tổ chức là cách mọi người đối xử với nhau tại nơi làm việc".
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng: "Văn hóa tổ chức là hệ thống của những giá trị, niềm tin, những quy tắc chung được lan tỏa bởi các thành viên trong tổ chức. Điều này sẽ dẫn đến hành vi của những người lao động tốt hay xấu."
Không có một cách chính xác nào để biết chắc rằng, các nhân viên tiềm năng sẽ phù hợp với văn hóa tổ chức tại nơi họ làm việc. Tuy vậy, một vài công cụ và phương pháp đơn giản hiện nay có thể giúp việc đó trở nên dễ dàng hơn. Nếu bạn đang cân nhắc một vị trí công việc mới, thì bạn nên bắt đầu nghiên cứu các trang web đánh giá như Glassdoor và Yelp. Các trang web này sẽ giúp bạn kiểm tra xem liệu công ty bạn đang nhắm tới có các giá trị văn hóa tổ chức như thế nào. Nếu các công ty đó đủ nổi tiếng, bạn nên xem qua các bài báo mô tả về công ty và những cảm nhận của các nhân viên hiện đang làm việc tại đó. Khi bạn quyết định tham gia phỏng vấn, hãy mạnh dạn hỏi những câu hỏi không có trong phần giới thiệu công ty mà nhà tuyển dụng cung cấp (Nhà tư vấn và huấn luyện điều hành, Margo Fowkes khuyên bạn nên hỏi thêm về những phẩm chất và thành tích nào đáng được khen thưởng, cũng như điều gì sẽ xảy ra khi ai đó mắc lỗi). Và đặc biệt là, bạn nên yêu cầu được đi tham quan văn phòng.
Giả sử bạn đã làm công việc này một thời gian, đủ lâu để nhận thức rõ bạn không phù hợp với văn hóa tổ chức của công ty. Vậy hãy đặt câu hỏi cho mình, nơi này có đáng để bạn tiếp tục ở lại làm việc nữa hay không?
Để tìm ra câu trả lời, bạn hãy bắt đầu bằng cách khắc phục những sự cố. Giả sử, bạn cảm thấy phiền khi mọi người để tất cả đĩa ăn trong bồn rửa tại phòng nghỉ và nó là sự thiếu tôn trọng đối với bạn. Fowkes nói: "Tôi sẽ tự hỏi bản thân mình, liệu việc này chỉ khiến tôi hơi khó chịu hay đây thực sự là một vấn đề lớn? Điều tôi đang thấy trước mắt có ảnh hưởng gì đến khả năng thành công trong công việc của tôi không?" Nếu câu trả lời của bạn là không, thì bạn nên bỏ qua nó.
Bạn cũng nên xem xét lên kế hoạch cho các công việc của riêng bạn. Đối với các nhân viên bán hàng ngoài thị trường, họ sẽ tự sắp xếp thời gian làm việc của mình, chủ động trong công việc hơn so với những người làm việc theo quy trình nội bộ trong văn phòng. John Kotter, chủ tịch công ty tư vấn lãnh đạo Kotter International và là giáo sư của Trường đại học Harvard cho biết: "Bạn càng độc lập thì bạn càng dễ đối phó với việc bản thân không phù hợp với văn hóa tại nơi làm việc. Càng có ít sự độc lập, bạn càng gặp khó khăn khi làm mọi thứ!"
Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết định ở lại, hãy xác định rằng bạn sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Fowkes khuyến khích các nhà quản lý nên chia sẻ với tất cả nhân viên của họ rằng: "Mọi người phải chủ động đưa ra lựa chọn khi cảm thấy bản thân không hài lòng: Ở lại hoặc ra đi". Bạn không thể chỉ "ở lại và bỏ bê công việc". Vì thế, bạn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì được động lực và nâng cao năng suất công việc mỗi ngày.
Trên thực tế, bạn không thể làm gì để thay đổi hoàn toàn văn hóa làm việc của một tổ chức theo ý mình. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng việc thay đổi văn hóa tổ chức hầu như không thể thực hiện được nếu người đó không phải là sếp. Edmonds từng chia sẻ rằng: "Một nhân viên không có khả năng hoặc quyền lực để thay đổi nhân sự hoặc văn hóa của một công ty, chỉ có các nhà lãnh đạo cấp cao mới có thể làm điều đó. Nhưng hầu hết, các nhà lãnh đạo thường không để ý tới và không biết cách giải quyết những mâu thuẫn trong tổ chức của mình."
Bremer gợi ý: "Bạn có thể cố gắng xây dựng từng bước một trong việc phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp hoặc đội nhóm đang làm việc trực tiếp với mình. Mỗi ngày, bạn hãy dần cho phép họ trở thành những người có sức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Từ đó, nhóm của bạn sẽ tạo ra những sự hỗ trợ tích cực, sáng tạo và cho ra những kết quả công việc tuyệt vời. Bạn cũng có thể truyền cảm hứng để các nhóm khác trong tổ chức cũng có thể cùng nhau phát triển."
Tuy nhiên, bạn cũng nên tự hỏi bản thân rằng liệu tất cả những cố gắng này của bạn có xứng đáng và hiệu quả lâu dài không? Edmonds nói: "Một người vẫn có thể hoàn thành tốt công việc ngay cả khi họ cảm thấy chán ghét với văn hóa tổ chức tại nơi làm việc. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến họ dần bị kiệt sức. Trong trường hợp, khi họ có khả năng quản lý được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình làm việc cùng đồng nghiệp hoặc những công việc gây khó khăn hàng ngày, thì thật là may mắn cho họ! Họ vẫn sẽ tồn tại được, nhưng không phát triển được."
Việc ở lại hay không là tùy thuộc vào bạn! Tuy nhiên, nếu bạn thực sự yêu thích công việc mình đang làm, hãy cân nhắc tìm một nơi bạn có thể cống hiến hết mình.