Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, kế hoạch đến đầu năm 2022, chúng ta miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, với phương diện là nhà đầu tư BĐS, cần xác định kịch bản dự phòng khi tình hình dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến.
Theo đó, trong đầu tư BĐS, các nhà đầu tư cần trang bị các kiến thức để tránh rủi ro khi tham gia thị trường BĐS. Theo ông Kiệt, nhà đầu tư phải định hình được mong muốn đầu tư ở khu vực nào, vùng thị trường nào đang và sẽ quan tâm. Tìm hiểu về nó từ bây giờ. Quan điểm đầu tư từ xưa đến nay vẫn đúng, đó là chúng ta chỉ nên đầu tư vào khu vực, phân khúc thực sự hiểu biết. Nhà đầu tư chỉ nên bỏ tiền vào khu vực mình rành, hiểu rõ về chu kì phát triển của khu vực đó.
Theo ông Kiệt, thời điểm này nhà đầu tư cũng có cơ hội tìm được BĐS giá rẻ hơn, có cơ sở để đàm phán. "Nếu là nhà đầu tư mới, tôi khuyên nên tham gia vào thị trường càng sớm càng tốt. Thị trường BĐS đang im ắng, nhà đầu tư sẽ dễ dàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp", ông Kiệt khẳng định.
Theo chuyên gia CBRE Việt Nam, dù đầu tư phân khúc, thị trường nào nhà đầu tư cần xác định rõ chiến lược đầu tư của bản thân. Nếu đầu tư phòng thủ thì cần cân đối dòng tiền, tái cơ cấu khoản đầu tư, còn nếu đầu tư theo dạng tấn công thì tận dụng thời gian này để tìm sản phẩm giá mềm.
Điều quan trọng nhất theo ông Kiệt là nhà đầu tư phải quản lý được rủi ro dòng tiền đầu tư, kế hoạch tài chính của mình. Với bối cảnh hiện nay, đại dịch có thể tấn công lâu dài nên việc quản lý kế hoạch tài chính phù hợp với mục tiêu của bản thân là cực kì quan trọng.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, tôi khuyên các nhà đầu tư nên đầu tư vào BĐS mà mình am hiểu nhất. Ở một địa phương nào đó, đất nền, nhà phố hay BĐS thương mại dịch vụ, cho thuê… để hiểu và quyết định một phân khúc thì nhà đầu tư cần bỏ công sức để tìm hiểu mới nên đầu tư.
Theo ông Quang, thời gian này các nhà đầu tư ở nhà tránh dịch, cũng là thời gian rảnh rỗi thì nên nghiên cứu việc đầu tư BĐS. Tuy vậy, làm gì thì làm thì nhà đầu tư cần chuẩn bị phương án 6 tháng chi phí. Có thể dịch còn kéo dài hơn dự kiến nên phải có chi phí dự phòng (ít nhất 6 tháng) cho việc đầu tư.
Cùng với đó, tái cơ cấu định vị lại sản phẩm cũng là việc nhà đầu tư nên làm. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp nắm trong tay 3-5 BĐS, cần tái cơ cấu, có thể bán bớt đi 1 -2 BĐS, mua vào BĐS khác, vừa có tiền mặt, vừa chờ BĐS tăng giá.
Vị chuyên gia này cho rằng, tinh thần hiện nay là 30% nhà đầu tư phòng thủ, 70% nhà đầu tư vẫn tiếp tục tấn công BĐS. Thực tế, BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố tốt để đầu tư trong tương lai, sau dịch. Cùng với đó, nhà đầu tư BĐS cũng cần theo dõi thường xuyên về thị trường chứng khoán, lãi vay ngân hàng, bởi các yếu tố này tác động vào thị trường BĐS cực kì lớn.
"Tôi nghĩ, nhà đầu tư nên đưa ra kế hoạch đầu tư trong tương lai với cơ cấu % cụ thể như: 20% tiền mặt, 20% số tiền đầu tư trong vòng 12 tháng, 40% đầu tư 1-2 năm, 20% đầu tư 2-5 năm… thì sẽ đứng vững trong bối cảnh thị trường biến động", ông Quang dành lời khuyên.