Ngày 16-7, chủ động ứng phó với bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN-PTDS) tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị, địa phương giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện đang hoạt động trên biển, thông tin về vị trí và diễn biến của bão để chủ động kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm; Chỉ đạo khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và tổ chức đưa người từ các khu nuôi lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già và trẻ nhỏ lên trước) và hoàn thành công việc này trước 16 giờ ngày 17-7.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vạn Gia (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) giúp dân gia cố lồng bè nuôi thủy sản.
Các địa phương (đặc biệt là tuyến đảo) nắm lại lượng khách du lịch và thông tin về bão cho du khách biết để có phương án di chuyển phù hợp, thống kê, báo cáo số du khách về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ninh trước 16 giờ 30 phút hàng ngày.
Tổ chức rà soát lại vị trí có nguy cơ sạt lở đất do mưa để có phương án ứng phó cụ thể, tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước, lưu ý khu đô thị. Các địa phương miền núi sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, sạt lở, tổ chức trực canh tại các bị trí nguy cơ cao khi mưa lớn trên địa bàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng lực lượng, phương tiện hiệp đồng với các địa phương, đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và triển khai cứu hộ khi có yêu cầu. Căn cứ vào diễn biến của bão, Bộ đội Biên phòng sẵn sàng bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.
Sở GTVT Quảng Ninh chỉ đạo Cảng vụ nội địa rà soát lại số lượng tàu du lịch và khách du lịch tuyến biển, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải thủy bố trí đủ phương tiện để phục vụ việc đưa khách có nhu cầu về đất liền, sẵn sàng cấm biển khi có yêu cầu. Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông trong tình huống gió mạnh, mưa lớn do bão.
Sở Du lịch Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch thông tin đến du khách về tình hình bão để du khách chủ động lịch trình tham quan, sẵn sàng phương án đón khách có nhu cầu ở lại chu đáo.
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết đã chỉ đạo lực lượng biên phòng trên biển triển khai gia cố lồng bè giúp các hộ nuôi trồng thủ sản trên địa bàn và kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn. Các đơn vị cũng đã lên phương án, phân công cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng 24/24 giờ trong ngày để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi có trường hợp sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng cũng phối hợp với lực lượng kiểm ngư tuần tra, hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ các phương tiện đang hoạt động trên biển, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cần thiết. Cùng với đó các địa phương có biển cũng đang tích cực thông tin cho chủ các tàu, thuyền trên biển về diễn biến của bão số 1, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn.
Các tàu, thuyền tại Quảng Ninh đã bắt đầu vào nơi tránh trú an toàn.
Lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia (TP Móng Cái) cho biết, địa bàn đơn vị đang quản lý có 418 phương tiện hoạt động ven bờ với 1.254 ngư dân, 15 hộ nuôi trồng thủy sản. Đến nay 100% đã được thông báo về tình hình bão Talim.
Tại Hải Phòng, ngày 16-7, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP đã ban hành công điện chỉ đạo quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Quảng Đức (tỉnh Quảng Ninh) tuyên truyền, kêu gọi ngư dân tránh trú bão an toàn
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án phòng chống bão, bảo vệ trọng điểm đê điều, công trình xung yếu và thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sở Xây dựng cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn. Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đảm bảo công tác phòng chống bão tại các khu, cụm công nghiệp quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai.
Căn cứ diễn biến của bão để chủ động xác định thời điểm ra thông báo cấm biển, tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.
Tương tự, tỉnh Thái Bình cũng có công điện chỉ đạo theo dõi diễn biến của bão, kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.
Đặc biệt, chủ động rà soát để sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.