Nội dung được chia sẻ tại Hội thảo "Tối ưu hóa vận hành trong ngành sản xuất - kinh doanh Dược phẩm" do Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam phối hợp với SAP Việt Nam và FPT IS tổ chức đã thu hút gần 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp dược tham dự.
Dư địa rộng mở cho doanh nghiệp Dược Việt và lời giải từ chuyển đổi số
Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký và Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam nhận định, ngành dược toàn cầu và tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký và Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam phát biểu khai mạc
"Chuyển đổi số là lời giải then chốt trong việc giúp cho doanh nghiệp dược chủ động kinh doanh hiệu quả hơn. Việc ứng dụng giải pháp quản trị nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, AI, phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ số khác đã làm thay đổi cách mà các công ty dược phẩm nghiên cứu phát triển và phân phối cung cấp thuốc, cho phép nhà máy sản xuất có cái nhìn toàn diện về công đoạn quá trình sản xuất, tiết kiệm nguồn nhân lực tài chính, cải thiện sự hài lòng của khách hàng", bà Hà nhận định.
Về cơ hội phát triển của ngành, PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ Trưởng Bộ y tế, Nguyên Chủ Tịch hội đồng cấp số đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm làm thuốc Bộ Y tế chia sẻ ngành công nghiệp dược trong nước phát triển tốt trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 7,3%, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Trong chiến lược quốc gia, Chính phủ đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tập trung vào hiện đại hóa để ngành dược Việt Nam sáng ngang với các nước tiên tiến trên thế giới.
PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh: "Chúng ta phải làm chủ trên thị trường nước nhà, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị và vaccine, đồng thời ứng dụng công nghệ 4.0, điện toán đám mây, AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế".
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp dược vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của chuyển đổi số hoặc chưa biết bắt đầu từ đâu. Đại diện các doanh nghiệp Imexpharm và GONSA đã có nhiều chia sẻ kinh nghiệm hữu ích để giúp các doanh nghiệp dược tháo gỡ được phần nào những lo ngại. Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc Imexpharm chia sẻ, từ năm 1997 Imexpharm đã đầu tư và đạt chuẩn GMP Asean. Vào năm 2012, ban quản trị Imexpharm nhìn nhận đây là cơ hội tốt để tái cấu trúc doanh nghiệp, chuẩn bị đón đầu một đợt sóng tăng trưởng mới và đã đầu tư triển khai hệ thống SAP.
"Chuyển đổi số quản trị giúp chúng tôi minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu, sẵn sàng với dữ liệu thời gian thực, ra quyết định kịp thời. Điều này giúp công ty tăng trưởng nhanh chóng, đạt các mục tiêu ESG, đồng thời tiết kiệm chi phí nhờ chuẩn hóa quy trình" - ông Duy chia sẻ.
Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc Imexpharm chia sẻ về hành trình triển khai hệ thống SAP S/4HANA
Về phía GONSA, là công ty dược trẻ tuổi đang có những bước tiến ấn tượng về kinh doanh cũng như tầm nhìn về đổi mới, năm 2023, GONSA thực hiện chuyển đổi song song tới 5 phần mềm vận hành hệ thống WMS, ERP, OCS, TMS, Data Warehouse & Middleware. Trong vòng 5 tháng GONSA triển khai hoàn thành với 250 người tham gia các dự án chuyển đổi số, gần 2000 giờ làm việc, hơn 176 luồng tích hợp API của các hệ thống.
Ông Lê Vi Hiển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GONSA, chia sẻ về bước khởi đầu khi quyết định chuyển đổi số, công ty cũng gặp những trở ngại và lo lắng từ trong nội bộ. "Bàn tới chứ không bàn lùi - tranh luận chứ không tranh cãi. Chúng tôi đưa ra các chính sách thưởng nóng cho mỗi dự án để ghi nhận khen thưởng cho nhân viên và khi đưa ra các nguyên tắc - mỗi vấn đề phải có tối thiểu 2 giải pháp đi cùng và tập trung tối đa nguồn lực cho dự án", ông Hiển bày tỏ.
Ông Lê Vi Hiển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GONSA chỉ điểm một số nguyên tắc khi đưa ra quyết định chuyển đổi số tại công ty
Ông Hiển chia sẻ thêm, để có những thành công trong quá trình chuyển đổi số, Ban lãnh đạo công ty cần tạo ra sự thống nhất và đoàn kết trong tổ chức về chiến lược, nguồn lực để đảm bảo quá trình triển khai được xuyên suốt; Kế tiếp, tìm kiếm đơn vị công nghệ am hiểu, có bề dày kinh nghiệm cùng đồng hành; Xác lập mục tiêu và cột mốc thời gian thực hiện; Tổ chức dự án đúng người đúng việc; Xây dựng chính sách động viên khen thưởng kịp thời; Chuẩn hoá dữ liệu và sau cùng là công tác truyền thông nội bộ.
Công nghệ song hành tối ưu vận hành và sản xuất ngành dược
Là đối tác đồng hành cùng hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trong đó có ngành dược, ông Đặng Trường Thạch – Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT IS cho hay "FPT IS thấu hiểu các thách thức trong chuyển đổi số ngành dược như quy trình chuyên biệt phức tạp cùng hệ thống tiêu chuẩn cần phải tuân thủ; bài toán dữ liệu đa dạng về loại hình dữ liệu, yêu cầu cao về tính chính xác; chưa kể thách thức về nhiều hệ thống quản trị từ ERP, MES, hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ, hệ thống vận chuyển… cần kết nối xuyên suốt chuỗi giá trị vận hành sản xuất/kinh doanh. Chúng tôi song hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ bài toán đặc thù, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới về quản trị, AI, dữ liệu, sản xuất…để tăng năng lực cạnh tranh hiệu quả".
Ông Đặng Trường Thạch – Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT IS chia sẻ
Ông Thạch cũng đưa ra nguyên lý "3 đúng + 1" được đúc kết từ việc đồng hành cùng khách hàng. Đó là, đúng đối tác và đúng nhân sự, cuối cùng, sự cam kết nhất quán từ ban lãnh đạo là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Trước các thách thức ngành Dược, FPT IS và SAP cũng đã đề xuất các giải pháp công nghệ tập trung vào tối ưu vận hành và sản xuất.
Về phía SAP, ông Trần Công Sơn, Giám đốc Tư vấn Giải pháp SAP Việt Nam đã chia sẻ mô hình doanh nghiệp thông minh tích hợp các giải pháp toàn diện cho toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp dược. Đặc biệt, SAP đã tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác vào các quy trình kinh doanh, không chỉ giúp các doanh nghiệp dược phẩm tự động hoá, tối ưu hoá hoạt động, tăng trưởng doanh thu và giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế như GxP và DSCSA/EU Serialization.
Về phía FPT IS, hướng tới việc tối ưu vận hành và sản xuất cho ngành Dược, FPT IS phát triển giải pháp hồ sơ lô điện tử EBR, cho phép doanh nghiệp theo dõi toàn bộ yếu tố trong quy trình sản xuất, thu thập dữ liệu và đánh giá chất lượng theo thời gian thực. Hơn nữa, EBR tích hợp toàn diện với ERP và MES sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh, nâng tầm chiến lược quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao quá trình ra quyết định. Cùng với đó, với bài toán quản trị dữ liệu, nền tảng Usee sử dụng dữ liệu quá khứ để huấn luyện các mô hình học máy, từ đó dự báo nhu cầu hàng hóa trong tương lai, đưa ra gợi ý phân chia hàng hóa tối ưu cho từng mã sản phẩm tại từng cơ sở, điểm bán hàng…