Sáng cuối tuần, Đăng Sơn hẹn nhóm bạn yêu chạy bộ tụ tập, vừa chinh phục cung đường đẹp quanh đô thị Sala (quận 2, TP HCM), vừa bàn luận kế hoạch tham gia giải chạy vì cộng đồng UpRace 2022. Cả nhóm hào hứng chấp nhận thách thức với cự ly bán marathon và full marathon, đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục của bản thân trước đó. Sơn cũng đăng ký 42 km và quyết hoàn thành quãng đường dưới ba tiếng rưỡi hoặc bốn tiếng.
Phan Đăng Sơn cho biết để hoàn thành mục tiêu trên, mỗi sáng anh dậy lúc 5h30, chạy khoảng 5 km hoặc 10 km, ăn sáng rồi đi làm. Chiều hoặc tối, anh tranh thủ vận động thêm một hoặc hai tiếng. Runner U50 chủ trương không thức quá khuya, ăn uống khoa học và đặc biệt nói "không" với rượu bia.
Ở tuổi 47, bạn bè, đồng nghiệp thường nhận xét Sơn trẻ trung, luôn tràn đầy năng lượng và khỏe mạnh. Tuy nhiên ít ai biết gần 4 năm trước, vì bệnh tật giày vò, anh thậm chí không thể đi bộ nổi 100 m, "mặt xanh xao như tàu lá chuối"... "Chạy bộ đã cứu rỗi cuộc đời tôi", người đàn ông vóc dáng nhỏ nhắn tiết lộ.
Sa sút vì nhậu
Trước năm 2017, sau mỗi buổi đào tạo sale, chia sẻ kiến thức kinh doanh và đặc thù nghề nghiệp, Đăng Sơn và đồng nghiệp, đối tác thường xuyên lui tới quán nhậu, có hôm rạng sáng mới tàn cuộc. Quanh năm suốt tháng, số lần anh ăn cơm nhà chưa quá hai bàn tay, nhưng không thể đếm nổi số lít bia, rượu "đổ" vào người.
Những cuộc nhậu không hồi kết giúp Sơn có thêm mối quan hệ, chạm mốc son nghề nghiệp... nhưng cũng đánh đổi thứ quan trọng nhất - sức khỏe. "Thể lực, tinh thần tôi sa sút nghiêm trọng, lúc nào cũng xanh xao, gầy yếu, người lờ đờ vì liên tục thức khuya", anh kể.
Đỉnh điểm có giai đoạn Sơn bị bệnh tật giày vò, từ gan, dạ dày đến tiểu đường. Nhiều hôm, chỉ đi bộ 100-200 m, anh mệt mỏi thở không ra hơi, đầu óc choáng váng, tay chân bủn rủn. Thời gian dài, anh luôn trong tình trạng ăn uống không ngon, rối loạn giấc ngủ, thậm chí bị mọi người nhận xét "gầy như que củi", "qua cầu gió thổi phát là bay"...
Đăng Sơn cho biết anh càng lo lắng, buồn phiền hơn khi người em thân thiết cũng vì nhậu liên miên mà ốm yếu, đối mặt sinh tử. "Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cậu em: giờ bán hết tài sản cũng được, em chỉ cần lấy lại sức khỏe thôi", anh nhớ lại.
Vì muốn thoát khỏi nỗi đau thể xác và tránh để rượu bia bào mòn tinh thần, Sơn tự nhủ phải thay đổi lối sống, bản lĩnh từ chối những cuộc vui và tăng cường vận động, tập thể thao.
Chạy bộ - "ánh sáng cuối đường hầm"
Đăng Sơn ví môn đi bộ, marathon như "ánh sáng cuối đường hầm", giúp anh thoát những ngày tăm tối và tìm được niềm vui sống. Anh kể tình cờ làm quen với một nhóm yêu vận động, sau đó mon men tham gia cộng đồng chạy bộ với mục tiêu cải thiện sức khỏe. Mọi người chào đón Sơn, chia sẻ với anh nhiều kiến thức liên quan.
Những ngày đầu làm quen với môn thể thao đòi hỏi sức bền, Sơn hầu như không thể nhấc nổi chân, chỉ vài trăm mét đã "mệt mỏi đến cùng cực", đôi lúc phải nằm dài ra đường thở phì phò. Kiên trì nhiều tháng trời, anh chạy một mạch 1 km, 2 km, 5 km... mà không cần dừng lại thở dốc hay lấy lại sức.
Đến với chạy bộ, Sơn không đặt nặng yếu tố thắng thua hay ganh đua. Theo anh, bộ môn này đơn giản, không cầu kỳ, chỉ cần có một đôi giày tốt, bạn có thể chạy ở bất cứ đâu. Anh thích marathon vì tính kết nối cao, mọi người dễ bắt chuyện trên đường chạy, nói về kinh nghiệm giữ sức bền, thậm chí thân thiết nhanh khi đồng điệu sở thích.
Năm 2018, bạn bè động viên Sơn chinh phục giải chạy đầu tiên trong đời diễn ra tại TP HCM, cự ly 21 km. "Khi ấy, tôi đã 43 tuổi", anh kể. Dù không đạt thành tích, anh vẫn vui vì đã chiến thắng bản thân. Những năm tiếp theo, runner tham gia vô số giải chạy. Mỗi lần nhận huy chương ở vạch đích, Sơn hạnh phúc và trân quý treo ở góc nổi bật nhất trong nhà.
Runner cho biết không thể quên lần về thứ nhì giải lứa tuổi chặng 21 km tại VnExpress Marathon tại Quy Nhơn. "Cuộc đua rất náo nhiệt, mọi người thân thiện và vui vẻ. Sau lần ấy, tôi và đồng đội rủ nhau đăng ký tất cả giải chạy do VnExpress tổ chức, vừa tham quan, ngắm cảnh sắc, vừa gặp gỡ anh em thân thiết. Với chúng tôi, VnExpress Marathon như ngày hội", anh cho hay.
Chặng đường dài nhất Sơn từng tham gia là 100 km, đòi hỏi sức bền và sự kiên trì. Anh vui khi có cơ hội đứng hàng đầu cạnh các VĐV SEA Games, giới elite (những runner luôn đạt thành tích cao trong mỗi cuộc thi)... và cảm phục nỗ lực của họ. "Chỉ vài giây tung hô trên bục, họ phải trả giá bằng máu và cả nước mắt. Tôi học được nhiều điều từ các VĐV: sự siêng năng, tính kỷ luật và tinh thần không bỏ cuộc".
Ngoài ra, anh và nhóm bạn còn tổ chức những cuộc đi bộ đường dài từ TP HCM đến Vũng Tàu, chặng Đà Lạt - TP HCM và nhiều chuyến dài đến hàng trăm cây số. Những lần đầu, vì chọn không đúng áo quần, giày, tay chân anh trầy xước. Về sau, anh rút kinh nghiệm, chuẩn bị mọi thứ kỹ càng, từ lương thực, thuốc men, trang phục và các kỹ năng liên quan, tránh chấn thương.
Sơn ví 4 năm qua là hành trình kỳ diệu vì từng không tin bản thân có thể chinh phục được quãng đường dài hơi và đầy thách thức. "Ban đầu, tôi đơn giản chạy theo cảm tính. Tuy nhiên, giờ tôi đã trở thành runner quen mặt ở các giải phong trào đến chuyên nghiệp. Với tôi, chạy bộ là hoạt động không thể thiếu, giống như ăn cơm, uống nước vậy", anh lý giải.
Hiện một tuần anh chạy sáu ngày, cuối tuần tập nặng hơn và thường nghỉ ngơi vào thứ hai. Anh tiết lộ: "Trừ chấn thương, bác sĩ bảo phải tạm dừng để điều trị, còn không ngày nào tôi cũng chạy".
Vài tháng trước, anh lập kênh TikTok "Chạy cùng Sơn Phan" nhằm hỗ trợ cộng đồng yêu chạy bộ tập luyện tốt hơn, nhất là những người ngại giao tiếp. Theo đó, tích cực giải đáp những thắc mắc của runner mới về cách phân bổ sức lực cho cung đường dài, chọn giày thể thao bảo vệ đôi chân, nên bổ sung thanh năng lượng nào, cách khởi động hay giãn cơ sau mỗi cuộc đua, băng bảo vệ đầu gối khi tập luyện hay tư vấn đai đeo hông ... Kênh TikTok của anh hiện có 231.000 lượt thích và 18.000 người theo dõi. Mỗi video thu hút từ vài chục nghìn đến nửa triệu lượt xem.
"Chạy bộ có nhiều lợi ích, không chỉ tốt cho sức khỏe, nó còn giúp tôi tĩnh tâm, không sân si, bớt nóng tính, ăn ngon, ngủ tốt và dậy sớm hơn. Tuyệt vời nhất là các chỉ số cơ thể tôi thay đổi rõ rệt: acid uric giảm, mỡ máu và men gan hạ... Thậm chí bác sĩ cũng bất ngờ khi tôi như biến thành người khác, khỏe mạnh gấp nhiều lần trước kia", anh cho hay.
Sơn cũng tiết lộ anh lạc quan, yêu đời, có thêm nhiều bạn bè nhờ chạy bộ. Điều khiến anh vui hơn nữa là sự thay đổi của mình tác động đến người xung quanh, họ cũng tập chạy và duy trì thói quen chạy mỗi ngày.
"Tôi mong mọi người sẽ thay đổi lối sống tích cực hơn, chăm tập thể thể, vận động. Đừng bao biện 'không có thời gian đâu, công việc bù đầu', đừng để khi có sự cố xảy ra, lúc đó mới hối hận không kịp. Bản thân bệnh đã mệt, người thân càng khổ sở, tốn kém hơn", Sơn nói thêm.
Video: Hoàng Thanh
Phan Đăng Sơn là đại diện tiêu biểu truyền cảm hứng cho tinh thần "Tiến bước sống đầy cùng lòng can đảm", dám đối mặt thử thách và bắt đầu lại hành trình. Qua câu chuyện của mình, anh kỳ vọng mọi người đừng ngại đón nhận thách thức, khám phá giới hạn của bản thân và kiên trì với lựa chọn của mình, đó cũng là bài học để trưởng thành. Mỗi người sẽ có hoàn cảnh và ý chí khác nhau nhưng cách chúng ta đối mặt khó khăn, mạnh mẽ bước tiếp sẽ cổ vũ, tiếp thêm động lực cho nhiều người khác. Bạn cũng có thể trở thành nhân vật truyền cảm hứng của chuyên trang "Tiến bước sống đầy", thực hiện bởi VnExpress và FWD bằng cách chia sẻ câu chuyện tại đây. |